Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thông tin tại họp báo sáng 15/9 |
Sáng 15/9, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” diễn ra vào ngày 18/9 tới đây.
Diễn đàn kinh tế là hoạt động thường niên của Quốc hội do Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội...
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, từ năm 2022, tên gọi của diễn đàn sẽ đổi thành “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội” để phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Quốc hội cũng như bao quát các vấn đề cả về kinh tế và xã hội của đất nước.
Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung, như làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022.
Diễn đàn còn tập trung trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề “nóng” của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022… nhằm tập hợp, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp.
Theo dự kiến, diễn đàn bao gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề. Chuyên đề 1 có chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chuyên đề 2 có chủ đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.
Tại họp báo, đánh giá về kết quả của "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững", ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tại diễn đàn năm 2021 đã góp phần quan trọng tập hợp, bổ sung các luận cứ khoa học, thực tiễn giúp Chính phủ, Quốc hội đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung trong hai năm 2022 - 2023, trong đó có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
"Đến nay, các chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống, vừa có tác động trước mắt, vừa có tác động lâu dài và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế", ông Vũ Hồng Thanh thông tin.
Nói về kỳ vọng của diễn đàn năm 2022, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng năm 2022 đạt những kết quả tích cực và tăng trưởng cả năm 2022 được đánh giá khả quan, song nền kinh tế-xã hội Việt Nam vẫn còn đối diện nhiều rủi ro, thách thức.
Theo đó, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine còn tiếp diễn, kéo theo giá cả hàng hóa tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát,…
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng thấp trong năm 2022, nhưng lạm phát lại tăng cao. Đặc biệt, dự báo tới đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất,… "Những điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là dòng vốn đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, giá cả các mặt hàng,…", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Trong nước, các gói hỗ trợ sau thời gian triển khai đã xuất hiện những vướng mắc, giải ngân đầu tư công vẫn thấp, hỗ trợ tiền cho người lao động còn hạn chế, gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được bao nhiêu…
Theo ông Vũ Hồng Thanh, những nội dung này sẽ được đưa vào nội dung của các phiên thảo luận tại diễn đàn năm nay nhằm tìm ra những giải pháp, đưa ra những chính sách phù hợp.
Thông qua diễn đàn, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thêm luận cứ để thẩm tra, đại biểu Quốc hội sẽ có thêm thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khoá XV.