Dragon Capital: Định giá TTCK Việt Nam hấp dẫn hàng đầu khu vực, GDP có thể tăng 8,3%
(Ảnh minh họa) |
Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng
Trong báo cáo thị trường mới công bố, Dragon Capital đánh giá tâm lý nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng bởi các vấn đề toàn cầu, thể hiện qua việc chỉ số VN-Index giảm 7,6% trong tháng 6 và thanh khoản giảm theo tương ứng. Cụ thể, một số nguyên nhân gây ra lo ngại cho nhà đầu tư chủ yếu đến từ việc lạm phát tăng nhanh, FED thắt chặt chính sách tiền tệ, khả năng kinh tế Mỹ suy thoái gia tăng và việc bán tháo trên các thị trường chứng khoán phát triển.
Xét các yếu tố trong nước, báo cáo cũng chỉ ra những yếu tố tiêu cực đến từ room tín dụng bị hạn chế và xác suất lãi suất ngày càng tăng khiến thị trường chứng khoán dễ bị ảnh hưởng.
Về thanh khoản thị trường, trung bình trong tháng 6 thanh khoản tiếp tục giảm 4% so với tháng trước về mức 630 triệu USD trên sàn HoSE và 707 triệu USD trên cả ba sàn.
Tuy nhiên, dòng tiền được hỗ trợ bởi đà mua ròng tháng thứ 3 liên tiếp, tháng 6, khối ngoại mua ròng 93 triệu USD trong tháng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng 87 triệu USD, đây là một điểm sáng tích cực. Thời gian tới, theo Dragon Capital tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng do nửa cuối năm dự báo không có nhiều thông tin vĩ mô hỗ trợ thị trường.
Nhìn vào những tín hiệu tích cực về bức tranh lợi nhuận, Dragon Capital đưa ra dự báo Top 80 cổ phiếu danh mục quỹ lựa chọn sẽ tăng trưởng EPS 20,8%, dựa trên sự phục hồi diễn ra trên mọi mặt của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2022.
Về diễn biến nhóm cổ phiếu, bộ đôi nhóm ngành Thực phẩm đồ uống và Bán lẻ đứng vững khi thị trường lao dốc. Cổ phiếu F&B khởi sắc trước những biến động của thị trường bởi tính chất phòng thủ và hoạt động kinh doanh phục hồi. Ngoài ra, nhóm bán lẻ được thăng hoa nhờ kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm vượt qua kỳ vọng. Dragon Capital đánh giá kết quả kinh doanh nhóm bán lẻ nửa cuối năm nay sẽ bùng nổ từ mức nền thấp trong năm 2021.
So sánh với các thị trường trong khu vực, theo quan điểm của Dragon Capital mức định giá hiện tại của thị trường Việt Nam vẫn duy trì sự hấp dẫn hàng đầu khu vực.
Kịch bản tích cực GDP có thể tăng 8,3%
Trong nửa sau 2022, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu thế giới có xu hướng yếu đi, và mới đây Samsung đã giảm sản lượng toàn cầu và cắt giảm thời gian làm việc ở Việt Nam từ 5 ngày/tuần về 3 ngày/tuần. Tuy nhiên, FDI giải ngân tăng 8,9% đạt 10,1 tỷ USD, và Apple, Xiaomi chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam là minh chứng cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho việc dịch chuyển chuỗi giá trị và chiến lược đa dạng hóa của các tập đoàn toàn cầu.
Mặc dù việc đón các du khách quốc tế trở lại gặp không ít khó khăn, khoảng 600.000 khách kể từ thời điểm mở cửa vào giữa tháng 3, quỹ ngoại nêu quan điểm yếu tố này hiện tại chưa ảnh hưởng quá nhiều đến ngành du lịch.
Với tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 6,4%, Dragon Capital dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm nay có thể đạt 7% trong kịch bản cơ sở và 8,3% trong kịch bản tích cực.
Dragon Capital cho rằng lạm phát vẫn được duy trì ở mức ổn định. Chỉ số CPI tăng 0,69% so với tháng trước và 3,4% so với cùng kỳ, trong đó xăng dầu đóng góp hơn một nửa mức độ tăng. Bộ Tài Chính đã đề xuất cắt giảm một phần thuế và phí của xăng dầu, hiện đang chiếm tới 36,8% giá bán cuối cùng. Nếu được chính thức thông qua cắt giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu thì giá xăng dầu có thể giảm thêm 8-10%.
Về lãi suất, theo Dragon Capital, lãi suất vẫn đang tiếp tục chịu áp lực tăng khi tăng trưởng tín dụng tăng 9,4% trong 6 tháng đầu năm nhưng tốc độ tăng trưởng huy động chỉ đạt 4,5%, cho thấy áp lực huy động sắp tới cao. Việc giảm bớt cung tiền để ổn định lạm phát và duy trì sức mạnh của đồng VND có thể tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong vài tháng tới. Tuy nhiên, nếu FED tăng 75 và 50 điểm lãi suất trong 2 kỳ họp tới, Việt Nam cũng có thể phải tăng lãi suất 50 điểm vào quý 4 năm nay.