Dự chi gần 50.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương vào năm 2024? (Ảnh minh họa). |
Cụ thể, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 2023 và dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2024, bao gồm khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Ông Phớc cho hay, về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, ông Phớc cho hay, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của ngân sách T.Ư các năm (bao gồm từ nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2022 đang trình các cấp) thì tổng nguồn ngân sách T.Ư dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỉ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỉ đồng. Tổng cộng là 562.000 tỉ đồng.
Với dự kiến thu - chi ngân sách nhà nước năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách T.Ư và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của T.Ư từ ngày 1.7.2024. Theo đó, dự toán chi cải cách tiền lương của ngân sách T.Ư khoảng 48.000 - 49.000 tỷ đồng.
Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả số thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán chi năm 2024 của một số địa phương (khoảng 19.000 tỉ đồng) thì tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng hơn 2,1 triệu tỷ đồng.
Từ đó, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội quyết định việc thu chuyển nguồn cải cách tiền lương năm trước của các địa phương còn dư sang bố trí dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.