Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Bộ Xây dựng không đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nội dung trọng tâm chính là vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Người dân vẫn được sở hữu chung cư vĩnh viễn. Ảnh minh họa. |
Bộ này cho biết, sau khi xem xét dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), tại Thông báo số 2101/TB-TTKQH ngày 21/3/2023 và Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 1546/BC-UBPL15 ngày 16/3/2023, cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật đều đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Bộ Xây dựng đã đề nghị tiếp thu, rút quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (bỏ các Điều 25, 26 quy định về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư). Bởi, việc chấm dứt quyền sở hữu một loại tài sản có giá trị lớn là vấn đề nhạy cảm và còn những ý kiến chưa thống nhất.
Tuy nhiên, có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.
Trước đó, nội dung về sở hữu nhà chung cư, thời hạn sở hữu nhà chung cư do cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Xây dựng) đưa ra 2 phương án: Phương án 1 bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư; phương án 2 không quy định về sở hữu nhà chung cư.
Khi Bộ Xây dựng nhiều lần đưa ra và nghiêng về phương án sở hữu chung cư có thời hạn, nhiều người dân và chuyên gia đã nêu quan điểm phản đối.
Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Nhà chung cư là tài sản cả đời của người dân. Phải quy định cụ thể bảo vệ người mua, người tiêu dùng, để bớt đi những khiếu nại, khiếu kiện đông người.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu nhận định, không phải do quy định “sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài” là nguyên nhân dẫn đến “vướng mắc”, khó khăn trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong các năm qua, mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ, khả thi, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật và cũng chưa tìm được “điểm cân bằng về lợi ích”, chưa đảm bảo hài hoà quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư và của nhà đầu tư, nhất là do chưa thực hiện đầy đủ “quy chế dân chủ cơ sở” để các chủ sở hữu nhà chung cư thông suốt và tự giác tham gia vào quá trình thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Ngược lại, việc Bộ Xây dựng đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, kết luận; chủ sở hữu nhà chung cư sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ và được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư mới, áp dụng đối với tất cả nhà chung cư xây dựng mới sẽ làm tăng “gánh nặng” và độ “phức tạp” cho công tác quản lý nhà nước của ngành xây dựng, nhất là cấp tỉnh và cấp huyện vì vừa phải quản lý hàng ngàn tòa nhà chung cư hiện hữu theo chế độ “sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài” mà trong đó có hàng trăm tòa nhà chung cư là công trình cấp I có tuổi thọ trên 100 năm (có tính ổn định lâu dài), vừa sẽ phải quản lý hàng ngàn tòa nhà chung cư được xây dựng trong tương lai theo chế độ “sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn hoặc có quyền sử dụng đất ổn định lâu dài”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu chung cư Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo luật. |