Đứng trên nền cao, Việt Nam vẫn chắc chắn đạt mục tiêu GDP tăng 6,5% năm tới?
Nhiều chuyên gia lạc quan với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% năm 2023 mà Quốc hội vừa thông qua, dù đứng trên nền cao của mức tăng dự kiến 8% năm nay.
"Chắc chắn đạt được", nhưng...
Khẳng định mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2022 chắc chắn sẽ đạt được, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), khả năng năm nay, GDP tăng khoảng 8%, trong khi nhiều định chế tài chính quốc tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay còn cao hơn.
Tuy vậy, mức tăng trưởng này cũng tạo áp lực cho năm tới, bởi tốc độ tăng trưởng GDP năm sau đứng ở mức nền cao.
Trong bối cảnh đó, xung đột ở Ukraine vẫn leo thang và kéo dài, tiếp tục tạo khó khăn đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt với chuỗi cung ứng và vấn đề năng lượng.
“Các đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến này đang phải đối phó với suy giảm kinh tế, đặc biệt là phải “căng mình” chống đỡ với lạm phát, nên nhu cầu chi tiêu của người dân, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp suy giảm, khiến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam không còn thuận lợi”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhìn nhận.
Còn theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, với mức tăng trưởng ấn tượng trong quý 3 là hơn 13%, nhiều tổ chức quốc tế đều rất lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 và dự báo năm 2023 sẽ trên mức 6,5%.
Đặc biệt, một số tổ chức quốc tế đánh giá việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số về mặt phục hồi rất cao trên thế giới, mức độ tín nhiệm quốc gia trong dài hạn là rất tốt. Điều này cho thấy, Việt Nam đã có những chính sách linh hoạt phù hợp với bối cảnh tình hình mới và cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã có những nỗ lực để chống chịu và phục hồi sau đại dịch.
Tuy vậy, để có mức tăng trưởng hơn 6,5% trong năm 2023, ông Thu cho rằng có nhiều vấn đề phải giải quyết.
“Dù vẫn ở mức thấp nhưng lạm phát vẫn đang chịu nhiều áp lực và năm 2023 vẫn bài toán cần phải xử lý. Ngoài ra, sự phục hồi các ngành trong nền kinh tế không đồng đều, ngành dịch vụ là chưa phục hồi hoàn toàn, đứt gãy chuỗi cung ứng trong các ngành sản xuất… đều là những bài toán khó trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế”, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu nhìn nhận.
Báo cáo các thách thức lớn nhất của doanh nghiệp các tháng cuối năm 2022 và của đầu năm 2023 của Ban nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa gửi lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho thấy, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý 4/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với kết quả quý 3/2022.
Về cơ hội thị trường, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.
“Sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu đến từ hai yếu tố gồm chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; và xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV lý giải.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế.
Hình minh họa |
Điểm tựa thị trường 100 triệu dân
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu cho rằng, việc ứng phó với COVID-19 chính là bài học để Việt Nam có thể ứng phó với các vấn đề khác trong tương lai.
“Các chính sách của Chính phủ đã phát huy tác dụng như chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp cho người dân hay những chính sách thúc đẩy đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay khi chúng ta có những khó khăn kép như khủng hoảng năng lượng, tăng lạm phát thì Chính phủ Việt Nam đã có những chính điều hành linh hoạt, đảm bảo được các chỉ số kinh tế vĩ mô”, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu nhìn nhận.
Về chính sách cụ thể, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, dự kiến, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục tăng lãi suất đồng USD. Vì vậy, thời gian tới, trọng tâm vẫn là chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
“Ngoài ra, các bộ ngành phải giải quyết được vấn liên quan đến chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào hay các gói hỗ trợ của Chính phủ cần được đẩy mạnh để đến được doanh nghiệp là điểm quan trọng để giữ được đà tăng trưởng trong năm 2023”, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu nêu góc nhìn.
Để khắc phục phần nào các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt để giảm sự bị động về tín hiệu thị trường, Ban IV đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ chuyên ngành cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.
“Cần khẩn trương tiến hành các cuộc bàn tròn công – tư nhằm phân tích các giải pháp tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh một số thị trường truyền thống của cả nhập khẩu, xuất khẩu đều gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình này, còn cần chú trọng phân tích các xu hướng và yêu cầu mới sẽ phát sinh ở các thị trường, đặc biệt xu hướng thiết lập các hàng rào kĩ thuật gắn với mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải do các liên minh xanh đang thúc đẩy trên phạm vi toàn thế giới”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy khuyến nghị.
Nhìn nhận về những dư địa cho tăng trưởng, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, chính sách kiểm soát vĩ mô của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, đầu tư công có khả năng phục hồi mạnh trong năm tới, giải ngân đầu tư hạ tầng của gói phục hồi chủ yếu tập trung trong năm 2023, lạm phát trong phạm vi an toàn, du lịch và tiêu dùng tiếp tục phục hồi tốt...
“Thị trường trong nước rất lớn 100 triệu dân với sức tiêu thụ lớn. Nếu chúng ta tiếp cận được thị trường đó, thì chúng ta sẽ phục hồi tốt. Dù thế giới biến động như thế nào thì chúng ta có thể dựa vào thị trường 100 triệu dân là trụ đỡ để phát triển”, ông Hoàng Văn Cường nêu rõ.
Ngoài ra, Việt Nam có mối quan hệ quốc tế khá là bền vững, kể cả trong giai đoạn đại dịch khi chuỗi cũng ứng, chuỗi phân phối hàng hóa đứt gẫy thì hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu vẫn chiếm vị trí khá tốt chúng ta tiếp cận thị trường thế giới rất đa dạng.
“Các sản phẩm xuất khẩu là phần lớn là sản phẩm của hàng tiêu dùng sẽ có nhiều thuận lợi hơn, khi thị trường thế giới có khủng hoảng có thu hẹp thì hàng tiêu dùng bị hẹp chứ không bị chấm dứt hoàn toàn. Nếu chúng ta tìm kiếm các thị trường ngách thì chúng ta có thể tiêu thụ tốt hơn thị trường truyền thống”, ông Hoàng Văn Cường lý giải.
Tuy vậy, trong bối cảnh thế giới đang rơi vào cuộc khủng hoảng, đặc biệt là lạm phát cao thì trong nước đang giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát kiểm soát, tỷ giá ổn định… là điều rất quan trọng.
“Đây là môi trường tốt để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh và khi đó nội lực sản xuất tốt thì sẽ là yếu tố tạo ra được sự chống chọi với tác động kinh tế bên ngoài", ông Cường kỳ vọng.