Chiều nay (4/5), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp báo về việc tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3% (tức mức 1.864,44 đồng/kWh lên 1.920,7 đồng/kWh).
Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định tác động của việc tăng giá điện đến nền kinh tế là không nhiều.
Với việc tăng giá điện 3%, EVN ước tính doanh thu 8 tháng cuối năm của tập đoàn sẽ tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. |
Ông Nam cho biết theo tính toán của Tổng cục Thống kê nếu giá điện bán lẻ tăng bình quân 5% thì chỉ số tiêu dùng (CPI) sẽ tăng 0,17%. “Thực tế giá điện chỉ tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mức nghiên cứu tác động đến CPI. Do đó, tác động đối với nền kinh tế là không nhiều”, Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định.
Còn đối với EVN, việc tăng giá điện 3% sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn tài chính cho tập đoàn. Lãnh đạo EVN ước tính doanh thu 8 tháng cuối năm của tập đoàn sẽ tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng.
Dù vậy, ông Nam khẳng định, tập đoàn vẫn có kế hoạch tiết giảm chi phí, nỗ lực giảm chi thường xuyên. Năm ngoái chi thường xuyên cắt của EVN giảm 10%, năm nay dự kiến sẽ cắt giảm 15% chi thường xuyên; với các khoản sửa chữa lớn, năm 2022 cắt giảm 10%, với năm 2023 sẽ cắt giảm 13%. Bên cạnh đó tập đoàn cũng sẽ cắt giảm chi phí nhân công, tiền lương.
Chia sẻ bên lề cuộc họp báo, ông Vũ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cũng cho cho biết, do nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng lên. Và khi nhu cầu sử dụng điện tăng lên, thì giá điện tăng 3% chắc chắn hóa đơn tiền điện cũng sẽ tăng lên (theo bậc thang).
Ông giả sử nếu không có yếu tố nắng nóng thì hộ sử dụng 50 kWh/tháng sẽ có hóa đơn tiền điện tăng thêm 2.500 đồng. Còn đối với hộ sử dụng 100 kWh/tháng thì hóa đơn tăng thêm 5.100 đồng.
“Tuy nhiên, nếu khách hàng sử dụng nhiều lên, chẳng hạn 200-300 kWh/tháng, thì hóa đơn tiền điện của họ chắc chắn sẽ tăng theo bậc thang Nhà nước quy định”, ông khẳng định. Theo tính toán của EVN, hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng, hóa đơn tiền điện sẽ tăng thêm 11.100 đồng.
Theo EVN, số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh trong năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98%. Trong khi đó, số hộ tiêu thụ 100 kWh là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85%. Số hộ sử dụng 200 kWh/tháng là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01%, đây cũng nhóm khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Để kiểm soát hóa đơn tiền điện tăng cao, ông Lâm cho biết, EVN đã xây dựng công cụ tính toán hóa đơn tiền điện cho việc điều chỉnh giá điện và được công khai trên website của tập đoàn cũng như của các tổng công ty điện lực trên cả nước. “Người dân có thể cập nhật, kiểm tra hóa đơn tiền điện của mình một cách trực tuyến và trực quan trên công cụ này”, ông Lâm nói.