Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm trên thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tháng 12/2022 tăng 2,12USD/thùng tương đương 2,29% lên 94,57USD/thùng. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tháng 12/2022 tăng 2,1% lên 89,11USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày thứ Năm công bố dự trữ dầu diesel và dầu đốt nóng giảm ước tính 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 7/10/2022, mức giảm này cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng giảm 2 triệu thùng, tổng dự trữ giảm xuống còn 106,1 triệu thùng dầu/ngày, thấp nhất tính từ tháng 5/2022.
Thông tin trên lập tức thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nhiều hơn việc trước đó số liệu công bố cho thấy dự trữ xăng và dầu thô tăng vượt kỳ vọng gần 10 triệu thùng.
Vào tháng 8/2022, Bộ Năng lượng Mỹ đã phải hối thúc các doanh nghiệp sản xuất dầu nội dịa hạn chế bớt xuất khẩu nhiều loại nhiên liệu như xăng hay dầu diesel, đồng thời cơ quan này cũng khẳng định thêm rằng chính quyền Biden có thể sẽ cần phải hành động nếu các nhà máy không có dự trữ riêng.
Tuần này, EIA cảnh báo rằng phần lớn các hộ gia đình Mỹ sẽ buộc phải chấp nhận trả thêm tiền để sưởi nóng căn nhà của họ trong mùa đông. Vào ngày thứ Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden phàn nàn về việc giá xăng tại Mỹ hiện đang ở ngưỡng quá cao và trong tuần sau ông sẽ nói đến mục tiêu giảm chi phí xăng dầu.
Nhiều nhà đầu tư hiện vẫn đang lo lắng về việc lạm phát leo thang sẽ làm suy giảm nhu cầu năng lượng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái.
Trong tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng vượt mọi kỳ vọng, áp lực lạm phát vẫn tiếp tục leo thang, thực tế này củng cố thêm cho kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tháng sau.
CEO của JP Morgan Chase, ông Jamie Dimon, cảnh báo rằng lạm phát dai dẳng và kéo dài sẽ có thể đẩy lãi suất lên cao hơn ngưỡng 4,5%.
Thông tin khác gây áp lực lên giá dầu còn là vào tuần trước, IEA cảnh báo rằng quyết định của OPEC+ về việc giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày sẽ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
IEA hạ nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay 1,9 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay và 1,7 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2023.
Thị trường năng lượng hiện đang đương đầu với nhiều áp lực từ đồng USD mạnh lên, trong thời gian qua đồng USD đã tăng giá lên mức rất cao so với nhiều loại tiền tệ khác ví như đồng yên.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm. Phiên này, thị trường chứng kiến sự đảo chiều ngoạn mục, mức độ biến động mạnh chưa từng thấy khi mà tâm lý nhà đầu tư liên quan đến số liệu lạm phát thay đổi, theo khẳng định được chuyên gia đưa ra trong nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.
Số liệu của Dow Jones Market Data cho hay đây là lần đầu tiên chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm ít nhất 500 điểm và rồi sau đó tăng ít nhất 800 điểm chỉ trong một ngày giao dịch. Diễn biến của thị trường như vậy khiến nhiều người nhớ lại giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 khi mà khoảng thời gian yếu tố bất định liên quan đến triển vọng thị trường và nền kinh tế tăng cao.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones tăng 827,87 điểm tương đương 2,8% lên 30.038,72 điểm, đây là phiên giao dịch tăng điểm mạnh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm từ tháng 11/2020. Chỉ số S&P 500 tăng 92,88 điểm tương đương 2,6% lên 3.669,91 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 232,05 điểm tương đương 2,2% lên 10.649,15 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh vào đầu phiên sau khi số liệu mới công bố cho thấy lạm phát tiêu dùng tại Mỹ vẫn dai dẳng ở mức cao, điều này khiến làm gia tăng kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ nâng rất mạnh lãi suất cơ bản đồng USD. Ở mức đáy của phiên, chỉ số Nasdaq giảm hơn 3%; chỉ số S&P 500 hạ hơn 2%; chỉ số Dow Jones sụt gần 2%, theo tính toán của Dow Jones Market Data.