Giá khí đốt tại Mỹ giảm rất sâu có thể kéo lạm phát Mỹ giảm mạnh
Theo Wall Street Journal, sự suy giảm về giá khí đốt này có nguyên nhân trực tiếp từ thời tiết ấm lên, sản lượng nội địa cao kỷ lục và các khu vực dự trữ khí đốt đã đầy lên tính từ cuối mùa bật điều hòa của người Mỹ. Giờ đây, giá của khí đốt, một trong những loại sản phẩm có ảnh hưởng lớn nhất đến lạm phát tại Mỹ, đã giảm xuống mức tương đương của 1 năm trước.
Nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo rằng thời tiết lạnh bất thường sẽ có thể đẩy giá khí đốt lên ngưỡng cao mới trong mùa đông năm nay, đặc biệt tại các nước thuộc Bắc Bán cầu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn dự báo về khả năng tình hình bình ổn. Nguồn cung khí đốt từ nhóm nước thuộc khu vực Bắc Mỹ dự kiến tăng lên cùng với nhu cầu tại chính khu vực này giảm đi do chịu tác động từ việc hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cố gắng kiềm chế lạm phát bằng việc đẩy lãi suất lên mức cao hơn.
Giá khí đốt giao hợp đồng tương lai tháng 12/2022 đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở mức chỉ cao hơn 4,75% so với cùng kỳ năm trước. Vào đầu tuần này, giá khí đốt giao hợp đồng tương lai giảm xuống dưới mức 5USD/BTU lần đầu tiên tính từ tháng 3/2022, khi đó thị trường năng lượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng Nga – Ukraine.
Các chuyên gia tại Goldman Sachs dự báo rằng giá khí đốt tại Mỹ sẽ ở mức trung bình 5USD/BTU trong năm 2023. Các chuyên gia thuộc công ty chứng khoán BofA dự báo về mức 4,5USD/BTU. Tính đến ngày thứ Sáu vừa rồi, giá khí đốt tương lai trung bình ở mức 6,6USD/BTU. Thực tế này gây sức ép không chỉ đến các hộ gia đình mà cả các doanh nghiệp sử dụng nhiều khí đốt ví như doanh nghiệp xi măng hay thép, nhựa, hóa chất.
Nhà đầu tư hiện cũng đang kỳ vọng vào khí đốt rẻ. Các quỹ đầu cơ và nhiều nhà đầu tư khác trong nhiều tuần gần đây đã ngày một kỳ vọng về khả năng giá khí đốt sẽ giảm rất sâu, mức độ tệ hại nhất tính từ đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho hay.
Tính từ đầu đại dịch COVID-19 cho đến nay, giá khí đốt đã không ngừng tăng. Thời tiết quá nóng bực đã khiến cho nguồn cung khí đốt tại các gia đình và ở ngoài nước giảm, cùng lúc đó, việc đóng cửa các nhà máy than đá khiến cho các doanh nghiệp sản xuất điện không có lựa chọn thay thế cho khí đốt tự nhiên. Sau khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, các doanh nghiệp châu Âu đã tăng cường tìm kiếm nguồn thay thế cho khí đốt xuất khẩu của Nga.
Ở thời điểm cuối mùa đốt nóng vừa qua, dự trữ khí đốt tại Mỹ đã giảm xuống thấp hơn 18% so với ngưỡng bình thường. Cho đến cuối tháng 8/2022, dự trữ khí đốt tại Mỹ thấp hơn khoảng gần 13% so với ngưỡng bình thường, giá khí đốt vượt 10USD/BTU lần đầu tiên tính từ năm 2008, khi đó hoạt động khai thác dầu đá phiến mới chỉ bắt đầu.
Thời tiết ấm áp vào tháng 9/2022 đồng nghĩa với việc tiêu thụ khí đốt giảm. Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục hơn 100 tỷ khối/ngày và tình trạng mất điện kéo dài tại cảng Freeport của Mỹ cũng đồng nghĩa dự trữ lẽ ra dùng được xuất ra nước ngoài bị tồn lại trong khi đúng ra nó phải phục vụ cho xuất khẩu.
Tại châu Âu, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan, giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu, giảm dưới 100 Euro/megawatt giờ lần đầu tiên kể từ tháng 6. Cách đây không lâu, vào tháng 8/2022, sau khi Nga dừng bơm khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 dẫn tới Đức, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF có thời điểm nhảy vọt qua mốc 300 Euro/megawatt giờ.
Cũng trong tuần trước, giá khí đốt giao ngay ở châu Âu có thời điểm giảm xuống dưới 0, cho thấy lượng khí đốt trong mạng lười đang vô cùng dồi dào.