Ông Phùng Tuấn Đức rời vị trí CEO Gojek Việt Nam |
Ảnh: GoTo |
Đại diện Gojek cho biết, đây là quyết định chiến lược của công ty mẹ - Tập đoàn GoTo (Indonesia) nhằm củng cố hoạt động kinh doanh để phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn và bền vững. Gojek sẽ tập trung vào thị trường trọng điểm là Indonesia và Singapore.
Như vậy, sau 6 năm có mặt Việt Nam, Gojek sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ vận chuyển (GoRide, GoCar), giao hàng (GoSend) và giao đồ ăn (GoFood).
“Chúng tôi sẽ thực hiện các hỗ trợ cần thiết đối với tất cả các bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp này, đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành”, Gojek cho biết thêm.
Theo Business Times (Singapore), Gojek Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị giao dịch của GoTo trong quý II. Do đó, việc rút khỏi Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty mẹ.
Trước Việt Nam, Gojek cũng đã phải rời bỏ thị trường Thái Lan vào năm 2021.
Gojek được thành lập năm 2010, tập trung vào dịch vụ chuyển phát và gọi xe. Năm 2015, ứng dụng Gojek đã ra mắt thị trường Indonesia, cung cấp 3 dịch vụ đặt xe máy (GoRide), dịch vụ giao hàng (GoSend) và dịch vụ đi mua sắm hộ (GoMart). Gojek từng được định giá trên 10 tỷ USD, là “kỳ lân” công nghệ (công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD) đầu tiên của Indonesia.
Từ một đội ngũ chỉ vỏn vẹn 20 tài xế xe máy (ojek), đến nay, Gojek cung cấp hơn 20 dịch vụ tiện ích, kết nối hơn 170 triệu người dùng với hơn 2 triệu đối tác tài xế và 500.000 đối tác nhà hàng và có mặt tại 5 thị trường trong khu vực Đông Nam Á.
Tháng 5/2021, Gojek sáp nhập với sàn thương mại điện tử Tokopedia lấy tên công ty là GoTo. Hiện GoTo là hệ sinh thái kỹ thuật số lớn nhất Indonesia, bao gồm 3 đơn vị là Gojek, Tokopedia và GoTo Financial.
Tuy nhiên, theo Nikkei Asian Review, năm 2022 Goto ghi nhận khoản lỗ ròng tăng 56% so với năm 2021, lên mức 40.400 tỉ Rupiah, tương đương 2,7 tỉ USD. Khoản lỗ này cao hơn gấp 3 lần so với doanh thu của Goto dù hãng đã cố gắng nâng doanh thu lên gấp đôi trong năm 2023, đạt 11.300 tỉ Rupiah.
Tháng 8/2018, Gojek chính thức ra mắt thị trường Việt Nam với thương hiệu GoViet với một loạt chương trình đồng giá chuyến đi từ 1.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng.
Tháng 3/2019, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Đức và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Linh của GoViet thông báo từ chức. Tổng giám đốc tiếp theo là bà Lê Diệp Kiều Trang - cựu CEO Facebook Việt Nam. Tuy nhiên, bà Trang cũng chỉ lãnh đạo GoViet trong 5 tháng.
Tháng 8/2020, GoViet đổi tên thành Gojek Việt Nam, đồng thời bổ nhiệm Tổng giám đốc mới là ông Phùng Tuấn Đức (trước đây là Giám đốc Vận hành của GoViet).
Tháng 1/2023, ông Phùng Tuấn Đức rời Gojek Việt Nam và ông Sumit Rathor trở thành Tổng giám đốc thứ 4 của Gojek tại thị trường Việt Nam sau hơn gần 5 năm gia nhập.
Hiện nay, Grab vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu trong thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (Ấn Độ), thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2023 đạt quy mô 727,73 triệu USD, trong đó Grab chiếm 58,68% thị phần. Năm 2024, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam ước tính đạt 880 triệu USD năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng 19,5% trong giai đoạn 2024-2029.
Theo báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” được công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, 42% người Việt lựa chọn Grab khi muốn sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy. Tiếp theo là Be và Xanh SM với tỷ lệ lần lượt là 32% và 19%. Trong khi đó, chỉ có 7% người dùng thường xuyên sử dụng Gojek.
Cũng trong báo cáo của Q&Me, có nhiều sự khác biệt trong thói quen sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ giữa các nhóm tuổi. Trong độ tuổi từ 24-30, 46% người dùng vẫn lựa chọn Grab, 43% sử dụng Be và 14% chọn Xanh SM. Tuy nhiên, đối với nhóm khách hàng từ 31-40 tuổi, sự ưa chuộng đối với Grab rõ ràng hơn với 54% sử dụng thường xuyên, trong khi tỷ lệ này của Be và Xanh SM lần lượt là 22% và 16%. Tương tự, nhóm tuổi từ 41-45 cũng cho thấy xu hướng tương tự khi 43% lựa chọn Grab, và cả Be lẫn Xanh SM đều đạt tỷ lệ 25%.
Trước Gojek, hãng xe công nghệ Mỹ Uber đã rút khỏi Việt Nam vào đầu năm 2018. Về dịch vụ giao đồ ăn, cuối năm 2023, ứng dụng giao đồ ăn Beamin - “kỳ lân” công nghệ của Hàn Quốc cũng dừng hoạt động tại Việt Nam.
MoMo và Gojek hợp tác chiến lược, tích hợp Ví MoMo trên ứng dụng Gojek Gojek và MoMo sẽ kết hợp sức mạnh về công nghệ và hệ sinh thái đông đảo của hai bên để cùng nhau nâng cao ... |
Sau Grab, loạt hãng taxi công nghệ, taxi truyền thống cùng tăng giá cước Ngay sau khi ứng dụng đặt xe Grab thông báo tăng giá cước hôm 7/3 với tất cả các dịch vụ của hãng, đồng loạt ... |
Vinasun: Gian nan tìm lại “ánh mặt trời” Từ thời hoàng kim với hàng chục nghìn tài xế, doanh thu cả nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cộng với sự ... |