Hơn 200.000 người lao động là “nạn nhân” của tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn diễn ra tại nhiều địa phương
Tại báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong những tháng cuối năm 2022, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giày bị thiếu, cắt giảm đơn hàng (hiện nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày giảm từ 30 – 40% đơn hàng; chế biến gỗ giảm 50% đơn hàng), dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Báo cáo của các cấp công đoàn cho thấy có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng. Trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cảnh báo sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ của người lao động; thậm chí doanh nghiệp lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy người lao động từ trên 35 tuổi ra khỏi doanh nghiệp để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn.
Trước đó, tại Báo cáo về tình hình cắt giảm lao động, việc làm trong các doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay tình hình doanh nghiệp chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động chưa nghiêm, nhất là các quy định về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội.
Cá biệt có những doanh nghiệp mặc dù sản xuất kinh doanh tăng trưởng vẫn lợi dụng ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, nhằm không tăng hoặc cắt giảm các phúc lợi đã thỏa thuận, dẫn đến những bức xúc trong công nhân lao động.
Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) là gần 14.600 tỷ đồng, chiếm 3,4% số phải thu (theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam); tình trạng chủ doanh nghiệp "bỏ trốn" để lại khoản nợ lớn tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Trong đó, Giao thông vận tải và xây dựng là hai ngành có nhiều doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm, theo thống kê của công đoàn. Các tổng công ty ngành giao thông vận tải nợ gần 205 tỷ đồng tiền lương và 750 tỷ đóng BHXH; doanh nghiệp xây dựng nợ 269 tỷ tiền lương và 435 tỷ đóng BHXH.
Kiến nghị giải pháp xử lý cho 200.000 lao động bị nợ bảo hiểm xã hội
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành, địa phương liên quan rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nợ xây dựng cơ bản, nhất là trong ngành Giao thông vận tải, ngành Xây dựng để thanh toán nợ tiền lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Công đoàn Việt Nam kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với BHXH tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, có giải pháp cụ thể xử lý con số hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng.
Ngoài ra, lãnh đạo Công đoàn Việt Nam kiến nghị Chính phủ trình các cấp có thẩm quyền sớm thực hiện Đề án cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 27 ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm rà soát báo cáo lại; Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng tháo gỡ vướng mắc để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ lương, BHXH của người lao động. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các cơ quan chuyên môn cần bổ sung chế tài xử lý hành vi này.
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục nắm tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động… để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.