Khởi công cảng biển lớn nhất miền Trung
Cụ thể, các hạng mục được xây dựng là kè và đê chắn sóng dài khoảng 1,17 km, luồng tàu dài 7,3 km, rộng 160 m, đáy sâu 14 m, khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải, hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ.
Ngoài ra, dự án còn xây dựng đường kết nối với đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt dài 1,2 km, quy mô 6 làn xe, bề rộng 30 m. Đoạn 2 gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ (quốc lộ 1), mỗi nhánh gồm 2 làn xe, bề rộng 8 m.
Cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh. Ngoài ra, việc đầu tư còn được thực hiện ở cả khu bến Tiên Sa, cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và khu bến Liên Chiểu.
Bên cạnh đó, cảng còn nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là tiếp điểm của tuyến giao thông Bắc - Nam, là giao điểm của tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không của miền Trung.
Mục tiêu nâng cấp cảng biển Liên Chiểu đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm giai đoạn đầu và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo để giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng, tăng cường kết nối liên vùng.
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng lượng hàng hóa qua cảng biển ở Đà Nẵng trong những năm gần đây đạt 10%/năm. Năm 2020 lượng hàng qua cảng Đà Nẵng đạt 11,4 triệu tấn. Dự báo sản lượng hàng hóa đạt 50 triệu tấn đến năm 2050.
Mô phỏng dự án cảng Liên Chiểu |
Ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Giai đoạn đầu đầu tư 2 bến khởi động đáp ứng thông qua lượng hàng hoá đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến trong giai đoạn tiếp theo.
Ngày 18/4, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết bến cảng Liên Chiểu với tổng diện tích 450 ha với nhiều khu chức năng chính.
Các khu bến chính tiếp nhận được tàu đến 8.000 TEU (giai đoạn 1) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18.000 TEU (tương đương 200.000 DWT) trong dài hạn, gồm 8 bến với tổng chiều dài 2.750 m cho tàu từ 30.000-200.000 DWT.
Khu bến tổng hợp với tổng số lượng 6 bến và chiều dài 1.550 m, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000 DWT (phía ngoài) và các tàu cở nhỏ phía trong (khoảng 30.000 DWT).
Khu bến thủy nội địa với tổng chiều dài tuyến bến 1.200 m tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 DWT để phục vụ gom hàng cho khu bến container, tổng hợp đến các cảng biển, thủy nội địa khác trong cả nước.
Khu bến hàng lỏng, khí gồm 6 bến bố trí tại khu vực đê chắn sóng, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT.
Khu kho bãi đường sắt làm bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ đường sắt nhằm kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu với mạng đường sắt quốc gia.
Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối, khu hành chính dịch vụ, vành đai cây xanh cách ly.
Hạ tầng dùng chung gồm đê kè chắn sóng, luồng tàu và khu nước, đường giao thông kết nối cảng và hạ tầng kỹ thuật khác.
Tổng mức đầu tư dự án là 3.426,3 tỷ đồng trong đó nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP Đà Nẵng.
Tiến độ thực hiện từ năm 2021 đến tháng 12/2025.
Lễ khởi công cảng Liên Chiểu |
Tới dự lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bên liên quan đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình cảng xanh theo xu hướng của thế giới. Đồng thời, phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng.
Đây là dự án lớn về cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan đến 4.320 hộ dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần “làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để dân sớm ổn định cuộc sống”. Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa thành phố phát triển.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền, nhà đầu tư và các bên liên quan lưu ý xây dựng công trình tiên tiến, không thất thoát, không tham nhũng, đúng tiến độ để đưa vào sử dụng năm 2025.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố.
“Dự án được khởi công hôm nay là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và trong khu vực”, ông Lê Trung Chinh nêu rõ.