Loạt quy định mới về vay ngân hàng, chế độ trợ cấp có hiệu lực từ tháng 9
Loạt chính sách mới quan trọng về vay vốn ngân hàng sẽ có hiệu lực từ tháng 9 tới |
Quy định mới vay ngân hàng từ 1/9
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thông tư 06 có hiệu lực từ 1/9 thêm điều kiện vay vốn để phục vụ nhu cầu đời sống (mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở…); đồng thời, thông tư này cũng bổ sung về cho vay bù đắp tài chính, trong đó bao gồm cả cho vay bù đắp cho hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội.
Theo đó, người dân được phép vay ở tổ chức tín dụng này để trả nợ cho tổ chức tín dụng khác (với nhiều mục đích vay hơn). Tác động này rất lớn ở góc độ người đi vay, cho phép họ có thể lựa chọn tổ chức tín dụng có lãi suất thấp hơn, dịch vụ tốt hơn và gia tăng quyền lợi khác trong hoạt động đi vay vốn.
Thông tư 06 bổ sung thêm quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống sẽ được cấp hạn mức vay tối đa 100 triệu đồng, vay qua hình thức xác minh điện tử. Điều này giúp cho rất nhiều khách hàng có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng phục vụ nhu cầu đời sống với điều kiện vay dễ dàng hơn. Khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, nguồn trả nợ là đã có thể được xem xét cho vay vốn.
7 trường hợp không được vay vốn nhà nước
Ngày 28/6, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, trong đó có quy định về “Những nhu cầu vốn không được cho vay ngân hàng” với 10 trường hợp cụ thể, áp dụng từ ngày 01/9/2023.
Mới đây nhất, ngày 23/8, NHNN lại tiếp tục ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN với nội dung ngưng hiệu lực thi hành của một số trường hợp không được vay vốn ngân hàng cho đến ngày có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật mới.
Như vậy, từ ngày 1/9/2023, các tổ chức tín dụng không tiến hành cho vay đối với 7 nhu cầu về vốn sau đây:
1 - Để đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
2 - Để thanh toán chi phí hoạt động kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.
3 - Để mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
4 - Để mua vàng miếng.
5 - Để trả nợ cho các khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi phát sinh trong thời gian thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay đã được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6 - Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn và đáp ứng đủ 02 điều kiện: Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; Là khoản vay chưa cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
7 - Để gửi tiền.
Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công
Ngày 21/7, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, Nghị định số 49 sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng lên 2.055.000 đồng, so với mức cũ là 1.624.000 đồng. Như vậy, mức chuẩn trợ cấp người có công mới đã tăng lên hơn 26%.
Nghị định nêu rõ mức chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn đến hàng nghìn đồng.
Nghị định 55 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2023.
Tăng trợ cấp hằng tháng cho cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc
Theo Thông tư số 11/2023/TT-BNV, từ ngày 1/7/2023, điều chỉnh tăng thêm 12,5% mức trợ cấp hằng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023 đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 42/2023/NĐ-CP.
Theo đó, mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ 1/7/2023 tính theo công thức: Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 1/7/2023 = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023 x 1,125.
Nếu sau khi điều chỉnh mà mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được hưởng thấp hơn 3 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh tăng thêm như sau. Những người có mức hưởng trợ cấp hằng tháng dưới 2,7 triệu đồng/người/tháng: Được tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng.
Những người có mức hưởng trợ cấp hằng tháng từ 2,7 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng: Được tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng.
Thông tư số 11 có hiệu lực từ ngày 15/9/2023.
Thêm ngân hàng tăng phí SMS Banking, nhà băng nào cao nhất? Hàng loạt ngân hàng tăng phí tin nhắn SMS, có ngân hàng áp dụng mức phí tối đa lên tới 500 nghìn đồng/tháng. Động thái ... |