Lợi nhuận tăng 11%, doanh nghiệp cảng biển lớn nhất trên sàn chốt danh sách chia cổ tức
Doanh nghiệp ngành thép vẫn gặp khó sau quý II/2023 |
Quý II vừa qua, Cảng Hải Phòng đạt doanh thu hợp nhất 524,3 tỷ, giảm 14% so với quý 2/2022, song nhờ giá vốn hàng bán giảm 28,5% so với cùng kỳ xuống còn 267,4 tỷ nên lợi nhuận gộp quý 2/2023 đạt 257 tỷ, tăng 8,3% so với quý 2/2022, . Doanh thu hoạt động tài chính 67,3 tỷ tăng 5,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 297,5 tỷ, tăng 10,4% so với quý II/2022. Lợi nhuận sau thuế quý II/2023 đạt 247,4 tỷ, tăng 11,1% so với quý II/2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 PHP đạt doanh thu hợp nhất 1028 tỷ giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 457,8 tỷ, tăng 17,2% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Theo bản giải trình biến động kết quả kinh doanh do PHP công bố, lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022 trên Báo cáo tài chính hợp nhất chủ yếu do tỷ lệ Giá vốn hàng bán/doanh thu cung cấp dịch vụ giảm.
Trước đó ĐHCĐ thường niên năm 2023 đã thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 với sản lượng thông qua công ty mẹ là 23,6 triệu tấn, đạt 91,9% kế hoạch năm (trong đó sản lượng container là 1369.400 teu), doanh thu 1620,2 tỷ đồng đạt 99,2% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế 604,7 tỷ đạt 102,5% kế hoạch. Kết quả kinh doanh hợp nhất của Cảng Hải Phòng: sản lượng thông qua 37,92 triệu tấn, đạt 92,2% kế hoạch, doanh thu hợp nhất 2562,9 tỷ đồng đạt 108,3% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 880,4 tỷ, đạt 112,8% kế hoạch. Công ty trích ra ¼ số lợi nhuận để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 4%, số còn lại trích các quỹ, chủ yếu là quỹ đầu tư phát triển để đầu tư dự án. Khối lượng thực hiện các dự án đầu tư trong năm 2022 của Cảng Hải Phòng là 355 tỷ đồng, đạt 28,84% kế hoạch.
Năm 2023 Cảng Hải Phòng đặt kế hoạch công ty mẹ đạt sản lượng 25,83 triệu tấn (tăng 9,45% so với năm 2022), doanh thu 1640 tỷ và lợi nhuận trước thuế 590 tỷ. Sản lượng hợp nhất dự kiến 41,4 triệu tấn, doanh thu hợp nhất 2540 tỷ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 890 tỷ, cổ tức 4%. Kế hoạch đầu tư năm 2023 của Cảng Hải Phòng là 1659 tỷ đồng.
ĐHCĐ cũng thông qua Báo cáo tiến độ hoàn thiện phương án quản lý khai thác cầu cảng số 4, số 5 bãi container Cảng Chùa Vẽ và Phần chi phí khác phân bổ cho gói thiết bị. ĐHCĐ giao cho HĐQT tiếp tục chỉ đạo các bộ phận liên quan báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sớm được phê duyệt phương án quản lý khai thác cầu cảng số 4, số 5 bãi container Cảng Chùa Vẽ và Phần chi phí khác phân bổ cho gói thiết bị cũng như sớm quyết toán vốn nhà nước tại Cảng Hải Phòng.
ĐHCĐ đã thông qua Báo cáo về việc triển khai “Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại khu bến cảng Lạch Huyện), thành phố Hải Phòng” năm 2022 và kế hoạch triển khai năm 2023. Đồng thời ĐHCĐ cũng thông qua việc vay vốn tài trợ Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại khu bến cảng Lạch Huyện) với một số nội dung chính: Lựa chọn ngân hàng BIDV là tổ chức tín dụng tài trợ vốn, số tiền cấp tín dụng tối đa 55% tổng mức đầu tư dự án (3820,3 tỷ đồng) nhưng không vượt quá 55% tổng mức đầu tư thực tế (bao gồm VAT) của dự án; thời gian cấp tín dụng tối đa 180 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên; thời gian rút vốn tối đa 36 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng; thời gian ân hạn tối đa 36 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên; tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản gắn liền với đất, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải hình thành của Dự án.
ĐHCĐ cũng thông qua Báo cáo về Đề án di dời bến Cảng Hoàng Diệu. Công ty cho biết Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3364/VPCP-CN ngày 12/5/2023 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Đề án gồm 2 nội dung: (1) Căn cứ nội dung Đề án di dời bến cảng Hoàng Diệu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ động làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP Hải Phòng để xem xét các nội dung kiến nghị tại Văn bản số 109/TTr-UBQLV ngày 06/02/2023 theo đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền và quy định pháp luật. (2) Giao các Bộ: Giao thông vận tải, Quốc Phòng, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng và UBND TP Hải Phòng hướng dẫn UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam và Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng trong quá trình triển khai thực hiện việc di dời bến cảng Hoàng Diệu”.
Cảng Hải Phòng là cảng biển lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam, do Pháp xây dựng cách đây 150 năm. Từ những năm 1960x được Liên Xô giúp xây dựng nâng cấp công suất lên gấp hàng chục lần. Đến năm 1982 cơ bản hoàn thành với 11 cầu tàu tại khu vực cảng chính. Năm 1985 còn hình thành thêm khu vực Cảng Vật Cách, Cảng Đoạn Xá và Cảng Chùa Vẽ.
Cảng Hải Phòng được cổ phần hóa năm 2014, có vốn điều lệ 3269 tỷ, phần vốn nhà nước do Vinalines nắm giữ chiếm 92,56% vốn điều lệ. Với vốn điều lệ 3.269,6 tỷ đồng, cảng Hải Phòng hiện là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong số các doanh nghiệp cảng biển trên sàn chứng khoán.
Lợi nhuận ròng hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt tăng 15,7% so với cùng kỳ |