Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần định rõ ràng các nhóm đối tượng (Ảnh minh họa). |
Cụ thể, theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, an sinh xã hội bao gồm 3 khối chính sách lớn: Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), chính sách bảo trợ xã hội, chính sách ưu đãi xã hội, cần phân định rõ ràng các nhóm đối tượng của từng chính sách, không áp dụng chồng lẫn, tạo sự khó khăn trong việc giải quyết chính sách.
Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 3), theo theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, việc mở rộng việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với bối cảnh sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người lao động. Với 3 đối tượng: người làm việc không trọn thời gian, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, người làm việc không giao kết hợp đồng hay thỏa thuận cần cân nhắc kỹ hơn khi quy định bắt buộc tham gia BHXH.
Về quy định hưởng BHXH một lần, theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, Luật sửa đổi nên quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật nên theo Phương án (tại điểm đ khoản 1 Điều 70): “đ) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm. Quy định như vậy sẽ hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. PGS.TS Đặng Văn Thanh đồng thuận với phương án giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ tác động hai chiều.
Trước đó, tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) cho thấy, vào ngày 20/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (Luật BHXH 2014) thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Qua hơn 07 năm thi hành, Luật BHXH 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay…Do đó, yêu cầu nêu trên, việc sửa đổi Luật BHXH 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.