Vay "nóng" để đáo hạn thẻ tín dụng, cẩn thận các rủi ro pháp lý, lộ thông tin cá nhân
Ngân hàng Nhà nước quản lý vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ ngân hàng như thế nào? |
Đáo hạn thẻ tín dụng thực chất là một hình thức vay nóng
Đáo hạn thẻ tín dụng là dịch vụ chủ thẻ vay tiền để trả nợ thẻ tín dụng từ bên thứ ba khi đến hạn thanh toán thẻ tín dụng mà chưa đủ khả năng tài chính. Các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ nạp tiền vào tài khoản để thanh toán dư nợ tín dụng cho khách hàng. Sau đó, đơn vị đó sẽ tiếp tục quẹt thẻ qua máy POS (loại thiết bị bán hàng chấp nhận thanh toán hóa đơn dịch vụ bằng thẻ ngân hàng) để lấy lại khoản tiền mới nộp vào ngay sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức tín dụng cho chủ thẻ ở kỳ sao kê tiếp theo. Việc thu nợ được thực hiện dưới hình thức mua hàng hóa.
Ngoài ra, vì lợi nhuận cho vay đáo hạn quá hấp dẫn nên không ít trường hợp nhân viên ngân hàng cũng tham gia hoạt động này. Nhân viên giao dịch ngân hàng quản lý được những khách hàng đang có tiền gửi hoặc đang vay tiền tại ngân hàng. Từ đó, họ tìm cách tiếp cận với những khách hàng này để đặt vấn đề về việc vay tiền làm dịch vụ đáo hạn cho những khách đến kỳ trả nợ.
Đáo hạn thẻ tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý và nguy cơ lộ thông tin cá nhân. |
Về bản chất, đáo hạn thẻ tín dụng là một hình thức vay nóng, được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức không chính thống. Việc rút tiền sau khi được cấp lại hạn mức là cung cấp hóa đơn dịch vụ khống cho ngân hàng, bởi khách hàng không mua đồ mà chỉ sử dụng dịch vụ rút tiền mặt. Đây là những giao dịch không hợp lệ và bị ngân hàng cấm. Việc tham gia vào các giao dịch khống có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý nghiêm trọng, bao gồm cả việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ đáo hạn có thể sẽ giữ lại thẻ tín dụng cho tới khi quẹt thẻ rút tiền và thu phí hoặc yêu cầu chủ thẻ gửi các thông tin liên quan đến thẻ tín dụng như mã bảo mật CVV/CVC, số thẻ, ảnh chứng minh nhân dân/căn cước công dân, mã OTP gửi đến số điện thoại,... Đây là những thông tin quan trọng cần được bảo mật và không nên chia sẻ với bất kỳ ai. Kẻ xấu có thể lợi dụng những dữ liệu này với mục đích xấu, đặc biệt là sử dụng trong các giao dịch thanh toán trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ.
Nếu sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng quá nhiều và liên tục, ngân hàng sẽ cảnh báo các giao dịch khả nghi và thẻ có thể bị khóa tạm thời hoặc giới hạn chi tiêu để tiến hành theo dõi. Chủ thẻ sẽ bị ảnh hưởng đến điểm tín dụng và khó khăn cho các hoạt động tài chính sau này tại toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức cho vay đáo hạn thẻ tín dụng
Theo cơ quan chức năng, hoạt động cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng đã diễn ra âm thầm nhưng phổ biến ở nhiều địa phương. Thời gian qua nhiều đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Ngày 21/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Huy Nguyên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động đáo hạn thẻ ngân hàng.
Theo đơn tố giác của chị T.H, cuối năm 2022, do cần tiền để đầu tư vào việc kinh doanh, chị H. được bạn bè giới thiệu gặp Nguyên, tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng, có thể làm hợp đồng mở thẻ tín dụng với hạn mức 100 triệu đồng.
Sau một thời gian sử dụng thẻ tín dụng, chị H. được Nguyên đề nghị chuyển thẻ tín dụng để làm đáo hạn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến lịch sử đáo hạn và sử dụng thẻ. Tin tưởng, chị H. đưa thẻ tín dụng cho Nguyên và đã hoàn đủ 100 triệu đồng số tiền đã tiêu dùng trong thẻ. Sau đó, chị H. nhận được thông báo bị trừ hết 100 triệu đồng trong thẻ tín dụng. Nguyên giải thích là do đáo hạn nhầm và tiền sẽ được hoàn trả sau 1-2 ngày. Thời gian sau, khi thấy Nguyên nhiều lần trốn tránh việc hoàn tiền, chị H. trình báo cơ quan chức năng.
Tại trụ sở công an, Nguyên khai đã đưa thẻ cho một đối tượng khác để rút tiền qua máy POS rồi chuyển vào tài khoản của Nguyên. Với thủ đoạn trên, Nguyên đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 60 người.
Cuối tháng 11/2024, Công an tỉnh Bình Thuận cũng đưa ra cảnh báo về một số vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức đưa ra thông tin gian dối về việc vay tiền để đáo hạn ngân hàng với mức lãi suất hấp dẫn, đánh vào lòng tham của nhiều người.
Điển hình, đối tượng Lương Thị Hồng Châu tự giới thiệu có khả năng làm hồ sơ để đáo hạn ngân hàng và lừa được 22 người cho vay tổng số tiền gần 250 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình vay mượn đều nói mục đích là đáo hạn ngân hàng, tuy nhiên số tiền vay, mượn được Châu đã sử dụng vào các mục đích như: mua đất, trả tiền gốc, tiền lãi cho những người đã vay… Vì mua đất bị thua lỗ, trả tiền lãi cao cho nhiều người nên đối tượng mất khả năng trả nợ và chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.
Một vụ khác, Đồng Thị Kim Chi nhận làm thủ tục vay vốn và đáo hạn ngân hàng cho các hộ dân để kiếm thêm thu nhập. Bằng phương thức trên, Chi mượn tiền của 10 người với tổng số tiền hơn 6,2 tỷ. Thực tế Chi chỉ sử dụng khoảng 500 triệu đồng để “đáo hạn ngân hàng” và sử dụng phần lớn số tiền vay được để trả các khoản nợ cá nhân và tiêu xài cá nhân.
Mọi hình thức gian lận, lách luật trong việc sử dụng thẻ tín dụng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và ngân hàng
Theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN) của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng không cho phép người vay tiền vay của ngân hàng để đáo hạn khoản vay hay đảo nợ.
Mọi hình thức gian lận, lách luật trong việc sử dụng thẻ tín dụng đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và ngân hàng.
Vì vậy, chủ thẻ tín dụng cần lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, tận dụng nhiều ưu đãi của thẻ để được lợi. Đồng thời đảm bảo thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ thẻ tín dụng để tránh phát sinh lãi suất cao và ảnh hưởng đến điểm tín dụng của chủ thẻ.
Bên cạnh đó, người dân phát sinh nhu cầu tài chính gấp nên sử dụng các dịch vụ ngân hàng chính thống như vay tín chấp, vay thấu chi, trả góp các chi tiêu thẻ tín dụng với lãi suất hấp dẫn,… tránh sử dụng các dịch vụ lách luật, các giao dịch không rõ ràng. Nếu gặp vấn đề trong việc thanh toán, cần liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ và tìm kiếm giải pháp hợp lý, tránh rơi vào tình trạng nợ xấu.
Theo cơ quan Công an, hiện nay phương thức phạm tội của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn vay đáo nợ ngân hàng rất tinh vi. Các chiêu thức, thủ đoạn được các đối tượng đưa ra luôn thay đổi, đánh vào lòng tham phần tiền lãi cao của người cho vay và đã có không ít trường hợp bị “sập bẫy”.
Mặc dù các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều được đưa ra xét xử nghiêm minh, bản án tòa tuyên đúng người, đúng tội nhưng cơ hội để bị hại lấy được tài sản đã mất rất khó do số tiền lừa đảo hầu hết được các bị cáo ném vào nhu cầu tiêu xài cá nhân, cờ bạc hoặc dùng tiền vay của người sau để trả nợ cho người trước.
Lãi suất cao hơn so với lãi suất ngân hàng luôn đi kèm với rủi ro, thậm chí là lừa đảo. Vì vậy, trước những lời đề nghị với những món hời lớn thật dễ dàng, người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, tỉnh táo không để sập bẫy của các đối tượng phạm tội.
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng Thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng SIM rác liên hệ với khách hàng và tự xưng danh nhân viên các công ... |
Nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao Hậu COVID - 19, người dân đã quen thuộc với cách thanh toán không dùng tiền mặt và dần có những yêu cầu cao hơn ... |
Ngân hàng vi phạm quy định bảo vệ thông tin khách hàng sẽ bị xử phạt như thế nào? Bảo mật thông tin khách hàng là trách nhiệm của ngân hàng. Việc nhân viên ngân hàng làm lộ thông tin khách hàng có thể ... |