Ngày càng gia tăng số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu
Nguồn: FiinRatings. |
Thống kê của FiinRatings cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu đến hạn đang tiếp tục tăng. Dư nợ chủ yếu đến từ các lô trái phiếu được tái cơ cấu thời gian đáo hạn. Trong đó, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bất động sản ghi nhận kém lạc quan khi nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
FiinRatings cho biết, tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong quý II và III năm nay lần lượt ở mức 36.200 tỷ đồng và 35.400 tỷ đồng. Đây là con số lớn đáng kể so với tổng quy mô tín dụng phục vụ kinh doanh bất động sản cũng như năng lực tín dụng của doanh nghiệp địa ốc hiện nay.
Theo thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu tháng 4 đến nay, đã có 14 doanh nghiệp thông báo chậm trả nợ trái phiếu. Trong đó, nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ lệ cao.
Nguồn: HNX |
Từ đầu năm đến nay, Đất xanh miền Nam liên tục xin chậm trả nợ cho một lô trái phiếu. Trái chủ của lô trái phiếu MNRCH212300 tổng mệnh giá 150 tỷ đồng đã qua 3 kỳ thanh toán (15/2, 28/2 và 31-3) chưa được nhận lãi. Tổng số tiền phải thanh toán trong 3 kỳ lãi này là 4,6 tỷ đồng.
Đất Xanh Miền Nam cho biết chưa thu xếp kịp nguồn tiền và đang đàm phán với trái chủ để thay đổi kỳ trả lãi.
Trong tháng qua, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát chậm trả lãi 2 lô trái phiếu, tổng mệnh giá 800 tỷ đồng. Về việc chậm thanh toán, phía Hải Phát cho biết do thị trường bất động sản gặp khó, tín dụng bị siết chặt, thanh toán giảm làm ảnh hưởng đến dòng tiền thu từ các dự án. Công ty chưa thể thu xếp đủ tiền lãi trả cho trái chủ.
Liên quan đến tình hình thanh toán lãi và gốc trái phiếu đối với doanh nghiệp, mới đây, Bộ Tài chính phát đi thông tin liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.
Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.