Tình hình khôi phục cung cấp điện sau bão số 3 |
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có Công văn số 1202/QLBH-PNT gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do bão số 3 gây ra.
Theo đó, bão số 3 Yagi đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc. Để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9/2024.
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. |
Ngày 9/9/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 7417/NHNN-TD gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Văn bản nêu rõ, để kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh một số tỉnh, thành phố thực hiện ngay các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Cụ thể, đối với các tổ chức tín dụng: chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành;
Thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão này.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố: đầu mối chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương triển khai hỗ trợ khách hàng để góp phần khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Báo cáo Ngân hàng Nhà nước, trong đó, đánh giá thiệt hại vốn vay của khách hàng và kết quả bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng trên địa bàn trước ngày 20/9/2024. Định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng trên địa bàn.
Quy định của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai
Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai như sau:
Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước
Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 1 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc hộ thiếu đói dịp Tết âm lịch. Hỗ trợ không quá 3 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ cho đối tượng thiếu đói do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác từ nguồn lực của địa phương và nguồn dự trữ quốc gia.
Đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai mà mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu thì được xem xét hỗ trợ từ nguồn lực huy động hoặc nguồn dự trữ quốc gia: lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, xoong nồi, chất đốt, xuồng máy và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ.
Hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng
- Người bị thương nặng do thiên tai tại nơi cư trú được xem xét hỗ trợ với mức tối thiểu bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội (tương đương 5.000.000 đồng).
- Trường hợp người bị thương nặng ngoài nơi cư trú mà không có người thân thích chăm sóc thì cơ quan, tổ chức trực tiếp cấp cứu, chữa trị có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cấp cứu, chữa trị cho đối tượng quyết định hỗ trợ theo mức nêu trên.
Trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Hỗ trợ chi phí mai táng
- Hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai được xem xét hỗ trợ chi phí mai táng với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội (tương đương 25.000.000 đồng).
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng cho người chết do không có người nhận trách nhiệm tổ chức mai táng thì được xem xét, hỗ trợ chi phí mai táng theo chi phí thực tế, tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội (tương đương 25.000.000 đồng).
Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi hoàn toàn do thiên tai mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40.000.000 đồng/hộ.
- Hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối thiểu 30.000.000 đồng/hộ.
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20.000.000 đồng/hộ.
Hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai
Trẻ em có cả cha và mẹ chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng được hỗ trợ như sau:
- Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng;
- Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế;
- Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
Hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất
- Hộ gia đình có người là lao động chính bị chết, mất tích hoặc hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất chính do thiên ta dẫn đến mất việc làm thì được xem xét trợ giúp tạo việc làm, phát triển sản xuất theo quy định hiện hành.
- Trường hợp đặc biệt khẩn cấp, nghiêm trọng, việc hỗ trợ các nội dung về lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, chi phí điều trị người bị thương nặng và chi phí mai táng thực hiện theo quy trình, thủ tục do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định, bỏ qua bước bình xét, bảo đảm chi trả cho đối tượng kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức, công khai và minh bạch.
Bão số 3 làm 59 người chết và mất tích, gây thiệt hại rất lớn cho khu vực Bắc Bộ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thống kê ban đầu tới 11 giờ 30 phút trưa ngày 9/9/2024, bão số 3 đã làm 59 người chết, mất tích. Trong đó, do bão là 9 người; sạt lở đất, lũ quét là 44 người; lũ cuốn là 6 người. Cụ thể, tỉnh Cao Bằng có 21 người chết, mất tích do sạt lở đất, tỉnh Lào Cai có 15 người, tỉnh Quảng Ninh 6 người, tỉnh Hòa Bình 4 người... Bão số 3 cũng làm bị thương 247 người; trong đó, tỉnh Quảng Ninh 157 người, thành phố Hải Phòng 40 người... Ngoài gây tổn thất về người, mưa bão gây thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp với 113.593ha lúa và 22.047ha hoa màu, 6.887ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 1.500 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 79 gia súc, 190.131 gia cầm bị chết. Bên cạnh đó, bão số 3 còn làm 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở tỉnh Quảng Ninh; 121.668 cây xanh bị gãy đổ (Hải Phòng 6.059 cây, Hà Nội 24.807 cây, Hưng Yên 9.036 cây, Hải Dương 40.000 cây, Bắc Ninh 31.860 cây...). Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 9.851 ngôi nhà ở bị hư hỏng; 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ. Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng. Nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ... Các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. |
Sau khi bão Yagi đổ bộ, người lao động cần làm gì để đảm bảo an toàn trước nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất? Bão số 3 (Yagi) với cường độ rất mạnh, đã đổ bộ và gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ hiện đã suy yếu ... |
Kịp thời thăm hỏi, động viên công nhân Thủ đô làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3 Chiều 8/9, dù Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã cùng đoàn công tác đội mưa, ... |
Sau bão vẫn còn mưa lớn, người lao động cẩn trọng với lũ quét, sạt lở đất Tuy bão số 3 đã tan, nhưng hoàn lưu cơn bão vẫn sẽ tiếp tục gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh ... |