Người lao động cẩn trọng khi tìm việc làm cận Tết Nguyên đán
Hàng ngàn cơ hội việc làm bán thời gian trước Tết Nguyên đán 2024 |
Người có nhu cầu tìm việc nên tìm đến những văn phòng, công ty có danh tiếng, uy tín hoặc các trang web chính thống. Ảnh minh họa: TIỀN PHONG. |
Theo Cục An toàn thông tin, mới đây, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh (38 tuổi, trú thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành) để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Anh B.V.T. (43 tuổi, ở phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa) là một trong những nạn nhân của Thanh. Theo lời anh T., đã nhiều lần chuyển cho Thanh tổng số tiền hơn 400 triệu đồng để xin việc cho một số người thân của mình. Sau nhiều lần hứa hẹn, người thân của anh T. không được đi làm, lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa nên đã trình báo Công an tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, đối tượng Thanh không có việc làm ổn định, thường thuê chung cư trên địa bàn TP. Thanh Hóa để sinh sống. Thanh luôn tự giới thiệu mình thân quen với nhiều người, nhiều doanh nghiệp, có thể xin được vào làm việc tại các công ty lớn, với mức thu nhập ổn định từ 10 - 30 triệu đồng (tùy vị trí việc làm).
Ngoài ra, Thanh lấy lý do và yêu cầu nạn nhân phải đặt cọc số tiền 5 - 10 triệu đồng thì mới được nhận vào công ty làm việc, tiền cọc sẽ được công ty hoàn lại sau 3 tháng đi làm.
Đối với người có nhu cầu làm tài xế xe khách thì phải đặt cọc từ 10 triệu đến 30 triệu đồng. Sau hai năm đi làm, nếu không tự ý bỏ việc thì công ty sẽ hoàn trả số tiền đặt cọc.
Tin lời của Thanh, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để đặt cọc với mong muốn có được vị trí việc làm ổn định. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Qua vụ việc trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng với các lời giới thiệu việc làm trên mạng xã hội, cần tìm hiểu kĩ về người giới thiệu và chính sách của công ty mà đối tượng nhắc tới. Tuyệt đối không đặt cọc cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào khi chưa nắm bắt rõ ràng thông tin và mức độ uy tín.
Cũng theo Cục An toàn thông tin, thời gian cận Tết, trên các nhóm tìm việc online, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm liên tục được đăng tải rầm rộ như: tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương,…với mức lương từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, tuyển cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%, cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay, cộng tác viên vận đơn.
Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến chủ yếu là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình - thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm.
Theo Cục An toàn thông tin, mặc dù hình thức lừa đảo làm cộng tác viên không mới, chúng liên tục thay đổi về hình thức khiến nhiều người vẫn đồng ý tham gia. Đơn vị khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi gặp các trường hợp và hành vi không minh bạch trên mạng xã hội.
Tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng.
Đặc biệt lưu ý, không được cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào.
Người có nhu cầu tìm việc nên tìm đến những văn phòng, công ty có danh tiếng, uy tín hoặc các trang web chính thống của họ.
Lời khuyên cho ứng viên tìm việc làm. Đồ họa: N.L. |
Chốt thời hạn hoàn thành đề án vị trí việc làm để cải cách tiền lương Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu trước ngày 31/3/2024 các Bộ, ngành địa phương phải hoàn thành xây dựng và ban hành Đề ... |
Tình hình lao động, việc làm quý IV/2023 có nhiều dấu hiệu khởi sắc Tình hình lao động, việc làm quý IV/2023 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước và cùng kỳ năm trước. |
Hà Nội, TP.HCM giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn người năm 2023 Trong một hội nghị do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP. Hà ... |