Người lao động PVOIL hưởng lương thưởng năm 2022 sang tận tháng 3/2023
Năm vừa qua, giá dầu thế giới tăng vọt đã mang lại lợi nhuận lớn cho ngành này. Tiêu biểu tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã công bố doanh thu hợp nhất cả năm 2022 lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ đồng, đạt gần 104.287 tỷ đồng, hoàn thành 223% kế hoạch năm.
Mặc dù vượt kế hoạch về doanh thu nhưng lợi nhuận lại đi lùi. Lũy kế từ đầu năm đến cuối năm 2022, PVOIL đạt hơn 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, ghi nhận giảm hơn 27 tỷ đồng so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 726 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Hội nghị, lãnh đạo PVOIL cho biết năm 2022 ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về sản lượng kinh doanh, đạt 4 triệu m3 xăng dầu các loại, hoàn thành 127% kế hoạch năm và tăng 27% so với thực hiện năm 2021.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất PVOIL |
Tính riêng quý 4/2022, doanh thu của PVOIL đạt 24.662 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 284,5 tỷ đồng, giảm 11,7% so với quý IV/2021.
PVOIL đạt được kết quả như vậy là bởi 2 quý cuối năm giá dầu trong nước liên tục điều chỉnh giảm kéo lãi của PVOIL giảm mạnh. Đáng chú ý, quý 3/2022 doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ 371 tỷ đồng; trước đó, quý 2/2022, PVOIL ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, phá đỉnh lợi nhuận với 620 tỷ đồng trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục tăng.
Về khoản nợ phải trả, tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả là 17.650 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm phần lớn giá trị với 17.369,9 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 280 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong khối nợ ngắn hạn có phần nợ phải trả cho người lao động hơn 265 tỷ đồng.
Lý giải về việc này, trao đổi với PV Nhịp sống Doanh nghiệp, đại diện PVOIL cho biết, bản chất việc chi lương được thực hiện như sau: Trích vào chi phí 1 khoản tiền để hình thành quỹ tiền lương (khoản này ghi trong BCTC là phải trả CBCNV); hàng tháng khi chi trả tiền lương sẽ ghi giảm dần khoản phải trả này. Theo quy định của cơ quan thuế và nhà nước, quỹ lương được chi hết trước 31/1 năm sau, quỹ dự phòng tiền lương được chi hết trước 31/3 năm sau, đây chính là số dư khoản phải trả CBCNV thể hiện trên BCTC, khoản này sẽ được PVOIL thực hiện chi trả cho CBCNV theo đúng quy định và theo tổng hợp thì thu nhập bình quân năm 2022 tăng hơn so với 2021 không phải là nợ lương.
Theo BCTC , khoản nợ phải trả người lao động của PVOIL lên tới hơn 265 tỷ đồng, tuy nhiên PVOIL cho biết đây là quỹ dự phòng tiền lương chưa được chi hết nên được ghi nợ sang năm 2023. |
Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã giảm gần 2.000 tỷ đồng, mặc dù trong kỳ có phát sinh tăng hơn 20.743 tỷ đồng nhưng đã thanh toán đủ cho bên vay. Tổng nợ vay tài chính ngắn hạn còn 2.699 tỷ đồng, giảm so với con số đầu kỳ (4.606 tỷ đồng).
Khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng có xu hướng giảm so với đầu kỳ, tổng nợ vay tài chính dài hạn còn 81 tỷ, giảm 49 tỷ so với đầu kỳ.
Tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của PVOIL đạt mức 28.967 tỷ đồng tăng so với đầu kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/2/2023 giá cổ phiếu PVOIL 8.800 đồng/cp, mức giá này thấp hơn nhiều so với giai đoạn đỉnh năm 2022 là ngày 9/3 với giá 21.370 đồng/cp.
Theo thống kê từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng cao, trong đó giá dầu Brent bình quân đạt khoảng 106,92 USD/thùng, giá dầu WTI khoảng 101,59 USD/thùng, giá dầu OPEC khoảng 104,95 USD/thùng, tăng lần lượt 64,93%, 64,01% và 64,38% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá dầu Brent có thời điểm đã vượt 130 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 8.2008. Giá dầu diễn biến tích cực đã giúp đẩy mạnh các hoạt động khai thác thăm dò dầu khí. Nhờ đó, doanh thu nhóm ngành dầu khí sẽ khả quan, kéo theo khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách của các đơn vị này tăng theo. |