Trước tình hình thị trường bất động sản ở ngưỡng "suy thoái", nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải thu hẹp quy mô hoạt động, có những doanh nghiệp buộc phải giảm đến 50% lực lượng lao động. Trong số đó, không ít các ông lớn trong ngành bất động sản buộc phải tái cấu trúc, không ngoại từ Novaland.
Trao đổi với báo giới, nguyên Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Xuân Huy cũng cho biết, phải quyết định tạm dừng nhân sự cho các dự án dài hơi hơn, những dự án quyết định chuyển chiến lược phát triển sau này. Đây là giải pháp tình thế để giải quyết những việc trước mắc.
Ông Huy cho biết, công ty sẽ tập trung vào kinh doanh cốt lõi là đầu tư và phát triển bất động sản, việc tiết giảm chi phí nhằm tạo ra các sản phẩm phù hợp với diễn biến hiện tại để tối ưu hóa lợi nhuận cho khách hàng.
Mặc dù thu hẹp dần quy mô, cắt giảm nhân sự nhưng khối nợ mà doanh nghiệp này gánh tính đến thời điểm ngày 31/12/2022 cũng lên tới 212 nghìn tỉ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ đạt gần 45 nghìn tỉ đồng. Tính ra tổng số nợ/ vốn chủ sở hữu đã cao hơn 47 lần, tăng mạnh so với mức 3,9 lần hồi đầu năm, cho thấy mức độ rủi ro của NVL là khá lớn.
Đáng chú ý, Novaland còn đang nợ gần 11 tỉ đồng bao gồm các khoản lương thưởng và quỹ khen thưởng, phúc lợi cho nhân viên. Cụ thể, nợ phải trả cho người lao động là 6.1 tỉ đồng, còn nợ quỹ khen thưởng, phúc lợi là 4.83 tỉ đồng.
![]() |
Nợ ngắn hạn phải trả của Novaland tính đến thời điểm 31/12/2022 |
Xét về tình hình kinh doanh Quý IV/2022, doanh thu thuần hợp nhất của NVL đạt 3.241 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 1.090 tỉ đồng, giảm 47%.
Trong quý, hoạt động tài chính thặng dư khi có doanh thu 907 tỉ đồng (tăng 33%) trong khi chi phí chỉ 670 tỉ đồng (giảm 13%). Bên cạnh đó, NVL cũng giảm được chi phí bán hàng xuống 240 tỉ đồng (giảm 55%) và chi phí quản lý xuống 382 tỉ đồng (giảm 4,7%).
Tuy nhiên, việc không còn khoản lợi nhuận khác khổng lồ như năm ngoái (393 tỉ đồng) đã khiến NVL không tạo ra được bất cứ phép màu nào về lợi nhuận cho quý IV năm nay.
Kết quý IV/2022, NVL báo lợi nhuận trước thuế 736 tỉ đồng, giảm 48% và lợi nhuận sau thuế 239 tỉ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của NVL đạt 11.135 tỉ đồng, giảm 25%; lợi nhuận gộp đạt 4.348 tỉ đồng, giảm 29%. Biên lợi nhuận gộp đạt 39%, giảm 2 điểm % so với năm trước.
Năm 2022, NVL đặt mục tiêu doanh thu thuần gần 35.973 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.500 tỉ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 31% mục tiêu doanh thu và 35% mục tiêu lợi nhuận.
Xét về dòng tiền kinh doanh năm 2022 của NVL khá xấu khi âm 3.262 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu (19.925 tỷ đồng), tăng tồn kho (10.099 tỷ đồng), chi trả lãi vay (6.175 tỷ đồng).
Trong bối cảnh đó, NVL vẫn chi đầu tư mạnh mẽ, khiến dòng tiền đầu tư âm 7.458 tỷ đồng. Hệ quả là dòng tiền vay/trả duy trì ở ngưỡng rất cao, đạt 29.857 tỷ đồng/28.037 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong năm âm 8.649 tỷ đồng làm tiền và tương đương tiền cuối năm chỉ còn 8.600 tỷ đồng.
Theo quy định công bố thông tin thì công ty cần thuyết minh chi tiết thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng Giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong BCTC kiểm toán năm. Do đó, vào những ngày cuối cùng của năm 2022, Novaland đã có động thái bổ sung thêm tài liệu gồm mức lương, thù lao năm 2021 của dàn lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp.
Tài liệu bổ sung cho thấy, năm 2021, ông Bùi Thành Nhơn (thời điểm năm 2021 giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại NovaLand) được trả mức thù lao 1,2 tỷ đồng, tương đương thu nhập trung bình 100 triệu đồng/tháng. Các thành viên HĐQT khác lần lượt được trả mức thù lao dao động từ 120 triệu đồng.
Ba thành viên HĐQT khác là ông Phạm Tiến Vân, ông Lê Quốc Hùng và bà Nguyễn Mỹ Hạnh đều nhận thù lao 600 triệu đồng/năm.
Đáng chú ý, ông Bùi Xuân Huy - khi là thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc được nhà phát triển bất động sản hàng đầu này trả mức lương lên đến 5,52 tỷ đồng/năm, tương đương 460 triệu đồng/tháng.
![]() |
Mức thù lao của lãnh đạo Novaland |
Năm 2022, mức thù lao của dàn lãnh đạo có sự thay đổi khi chủ tịch Bùi Thành Nhơn chỉ được nhận 61 triệu đồng. Ông Bùi Xuân Huy cũng giảm tổng thu nhập chỉ còn 1.5 tỉ đồng, ngược lại, ở một số chức vụ như bà Nguyễn Ngọc Huyên chức vụ Tổng Giám đốc nhận mức lương 4.081 tỉ đồng, vị trí Phó tổng giám đốc là bà Dương Thị Thu Thủy và Võ Thị Cao Ly nhận mức lương lần lượt là 2.065 tỷ đồng và 2.896 tỉ đồng. Giám đốc tài chính Nguyễn Đức Dũng nhận được mức lương 2.363 tỉ đồng.
Vào đầu tháng 12/2022, Novaland bất ngờ phát đi thông báo cho biết ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch HĐQT Novaland và là người đại diện pháp luật. Novaland dẫn lời ông Nhơn cho biết ông muốn trở lại "vì nghĩ rằng đã là doanh nhân thì phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức".
Trước đó, vào tháng 1/2022, ông Nhơn đã chuyển giao vị trí chủ tịch HĐQT cho ông Bùi Xuân Huy. Khi đó, ông Nhơn cho biết sẽ trao quyền xây dựng chiến lược phát triển cho bộ máy điều hành quản lý mới, còn mình tập trung vào việc dẫn dắt và định hướng cho toàn bộ NovaGroup.
Việc ông Nhơn trở lại, theo thông cáo là một phần trong đề án tái cấu trúc mà NovaGroup - cổ đông lớn nhất của Novaland đang thực hiện để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Novaland sẽ xin ý kiến cổ đông để thay đổi cơ cấu Hội đồng quản trị, điều chỉnh số lượng thành viên từ 7 xuống 5 trước khi bầu lại thành viên HĐQT.