Theo Bloomberg, chỉ số PMI của ngành sản xuất Trung Quốc tháng 1/2023 ở mức 50,1 điểm, số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào ngày thứ Ba cho hay.
Việc sản xuất Trung Quốc tăng trưởng trở lại đã chấm dứt chuỗi thời gian suy giảm kéo dài, chỉ số cũng tăng đáng kể từ mức 47 điểm của tháng 12/2022, đây là đợt suy giảm mạnh nhất của sản xuất Trung Quốc tính từ thời điểm đầu năm 2020 ở thời điểm đầu đại dịch COVID-19.
Ngưỡng 50 điểm phân định giữa suy giảm và tăng trưởng.
Dù rằng tình hình sản xuất có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng lây nhiễm COVID-19 bùng phát sau khi Trung Quốc bỏ đi các biện pháp kiểm soát COVID-19 ngặt nghèo vào đầu tháng 12/2022, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang lấy lại được động lực sau khi tăng trưởng đến 3% trong năm 2022, một trong những tốc độ tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
Triển vọng kinh tế Trung Quốc đồng thời chứng kiến thêm điểm sáng khi mà chỉ số của ngành dịch vụ nước này tăng lên mức 54,4 điểm từ mức 41,6 điểm trong tháng 12/2022 sau khi chính quyền nhiều thành phố của Trung Quốc khẳng định tình trạng lây nhiễm COVID-19 đã lập đỉnh, chính vì vậy hàng triệu người dân Trung Quốc trở về quê ăn Tết.
Tổng mức chi tiêu trong giai đoạn nói trên khi mà nhiều người trở về quê thăm họ hàng tại nhiều khu vực khác nhau ở Trung Quốc tăng đến 30% lên 375,8 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 56 tỷ USD, tổng số chuyến đi tại nội địa tăng 23% lên 308 triệu chuyến, theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc. Dù vậy những con số này vẫn thấp hơn so với thời điểm năm 2019 trước đại dịch COVID-19.
Chính phủ Trung Quốc công bố sẽ khuyến khích tiêu dùng như động lực quan trọng của nền kinh tế hiện đang đương đầu với những cú sốc từ xuất khẩu suy giảm.
Chuyên gia phân tích về người tiêu dùng Trung Quốc, ông Ernan Cui, nhận xét: “Hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể sau khi các biện pháp kiểm soát COVID-19 được loại bỏ đi, quá trình phục hồi tuy nhiên nhiều khả năng sẽ diễn ra theo 2 cấp độ. Tiêu dùng sẽ được hỗ trợ bởi các hộ gia đình và người lao động có trình độ cao. Những người không giàu có bằng sẽ cần phải chờ xem thu nhập của họ có cải thiện không mới tính đến tăng cường chi tiêu”.
Theo thông tin đài truyền hình CCTV Trung Quốc được Thông Tấn xã Việt Nam trích đăng, Quốc Vụ Viện Trung Quốc sẽ thúc đẩy phục hồi tiêu dùng như động lực chính của nền kinh tế và thúc đẩy nhập khẩu, giữa bối cảnh nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt trước nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế lớn.
Tại một cuộc họp do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, Quốc Vụ Viện Trung Quốc cam kết đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư nước ngoài, duy trì đồng NDT ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới và giúp các công ty tham gia hội chợ thương mại cả trong và ngoài nước.
Quốc Vụ Viện cũng tái khẳng định sự hỗ trợ đối với khu vực tư nhân và nền kinh tế kỹ thuật số, vốn đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do một loạt biện pháp thắt chặt trong những năm gần đây.
Quốc Vụ Viện còn thảo luận về các biện pháp hỗ trợ nông dân bắt đầu gieo trồng vụ xuân, bao gồm trợ cấp cho việc gieo đậu tương.
Cơ quan thuế cho biết trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần kết thúc vào ngày 27/1, lượng tiêu thụ đã tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự phục hồi sau khi nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 chặt chẽ nhất thế giới.
Các nhà phân tích tại công ty môi giới Nhật Bản Nomura cho hay lượng sử dụng các dịch vụ trực tiếp đã phục hồi đáng kể, với sự gia tăng thu nhập từ du lịch.
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 12/2022 do nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt, các nhà phân tích dự báo nhu cầu trong nước sẽ phục hồi chậm trong những tháng tới.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%, do ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt dịch COVID-19.
Dự kiến, trong năm 2023, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi lên 4,9% trước khi ổn định vào năm 2024.