Sẽ tiếp tục thanh tra thêm 6 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024 |
Ảnh minh hoạ |
Thời gian vừa qua kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tăng trưởng nhanh, song cũng xuất hiện nhiều bất cập. Như phóng viên Nhịp sống Doanh nghiệp đã đăng tải loạt bài nhiều ngân hàng “ép” khách vay mua kèm bảo hiểm nhân thọ hoặc đánh tráo khái niệm giữa sản phẩm này với gửi tiết kiệm.
Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm đa dạng, nhưng dịch vụ này khiến thị trường phức tạp hơn và cần chấn chỉnh.
Trong năm nay, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 2 đơn vị bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư với ngân hàng là Mirae Asset Prévoir và Cathay Life Việt Nam. Cùng với thanh tra, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm trường hợp phát hiện các đại lý bảo hiểm sai phạm.
Để chấn chỉnh tình hình, Bộ Tài chính đã nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành bổ sung nhiều quy định pháp luật nhằm kịp thời điểu chỉnh những vấn đề phát sinh của thị trường, tăng cường tính minh bạch thông tin và bảo vệ tốt hơn người tham gia bảo hiểm. Cụ thể là chuẩn hóa một số quy định về hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình tư vấn, giao kết hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo tính minh bạch, người dân được tư vấn đúng, đủ thông tin, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, để lựa chọn được sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu; bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “ ép” mua bảo hiểm qua ngân hàng hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Theo cơ quan quản lý, nhiều quy định được Bộ Tài chính đưa ra để tăng minh bạch thông tin và bảo vệ tốt hơn người mua bảo hiểm. Các doanh nghiệp phải chấn chỉnh việc bán chéo sản phẩm qua ngân hàng; giám sát hợp đồng đại lý bảo hiểm. Họ cũng bị cấm ép buộc người mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Bộ Tài chính cùng Cơ quan thanh tra, giám sát (Ngân hàng Nhà nước) quản lý, giám sát việc nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm liên kết đầu tư khi giải ngân khoản vay.
Bảo hiểm liên kết đầu tư gồm hai phần riêng biệt phí bảo hiểm và đầu tư thêm có rủi ro. Đây là loại sản phẩm phức tạp nhưng được các nhà bảo hiểm triển khai một cách ồ ạt, nhất là qua kênh ngân hàng, khiến nhiều người hiểu sai về sản phẩm này. Hàng loạt vụ khiếu nại xảy ra vào năm ngoái do khách hàng cho rằng họ đã bị đánh tráo khái niệm giữa tiết kiệm và bảo hiểm đầu tư.
Cũng theo báo cáo, 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bán sản phẩm liên kết đầu tư đã bị thanh tra trong hai năm qua. Sau thanh tra, bộ này kiến nghị xử lý tài chính 21.000 tỷ đồng, xử phạt hành chính hai doanh nghiệp 310 triệu đồng.
Tuy vậy, người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, để thị trường này phát triển chất lượng, bền vững thì không thể thay đổi ngay mà cần quá trình, làm từng bước. Ông cũng nhắc tới giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm.
Sau nhiều lùm xùm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian qua, đến cuối năm 2023, tình hình kinh doanh của thị trường bảo hiểm nhân thọ có dấu hiệu giảm sút. |
Theo báo cáo nêu trên, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua hơn 1/4 thế kỷ có mức tăng trưởng cao (bình quân 20%/năm) và tương đối ổn định, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020. Đến cuối 2023, các doanh nghiệp đã chi trả quyền lợi bảo hiểm gần 86.400 tỷ đồng. Số công ty trên thị trường có tổng tài sản khoảng 913.000 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với 2022. |
Sẽ tiếp tục thanh tra thêm 6 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024 Danh sách doanh nghiệp bảo hiểm thanh tra năm 2023 chờ công bố kết luận gồm: Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam ... |