"Sóng" đầu tư công vừa nổi, Đầu tư Hải Thạch B.O.T đã muốn bán bớt cổ phiếu HHV
CTCP Đầu tư Hải Thạch B.O.T vừa đăng ký bán ra gần 41,8 triệu cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả, tương đương 13,57% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận trong thời gian dự kiến từ ngày 16/1 đến 14/2/2023. Mục đích thực hiện giao dịch là huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đầu tư Hải Thạch B.O.T hiện nắm giữ gần 103,7 triệu cổ phiếu HHV, tương đương tỷ lệ 33,68% vốn điều lệ và đang là cổ đông lớn nhất tại Hạ tầng giao thông Đèo Cả. Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu HHV mà Đầu tư Hải Thạch B.O.T nắm giữ sẽ giảm xuống còn 61,9 triệu cổ phiếu HHV, tương đương tỷ lệ sở hữu 20,11%.
Về người có liên quan, ông Võ Thụy Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hải Thạch B.O.T đang là thành viên HĐQT của Hạ tầng giao thông Đèo Cả, ông Linh cũng là người đại diện vốn của Hải Thạch B.O.T tại Hạ tầng giao thông Đèo Cả. Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Hùng, Thành viên HĐQT của Hải Thạch B.O.T đang là Phó chủ tịch HĐQT của HHV.
Động thái thoái vốn của Hải Thạch B.O.T diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HHV đã tăng gần 65% từ đáy hồi giữa tháng 11/2022. Kết phiên 10/1, mã này còn tăng kịch trần lên 10.900 đồng/cổ phiếu và tiếp tục tăng thêm 1,4% trong phiên sáng nay (11/1) lên 11.050 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo thị giá này, Hải Thạch B.O.T có thể thu về hơn 460 tỷ đồng nếu bán thành công gần 41,8 triệu cổ phiếu HHV.
Đáng chú ý, việc Hải Thạch B.O.T bán ra lượng lớn cổ phiếu HHV cũng diễn ra trong thời điểm không chỉ cổ phiếu HHV mà nhiều mà cổ phiếu đầu tư công khác bắt đầu "nổi sóng" nhờ những thông tin hỗ trợ tích cực từ động thái đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, nhất là việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã công bố danh sách các liên danh nhà thầu được chỉ định tham gia thi công 25 gói thầu trong 12 dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2.
Theo đó, 12/25 gói thầu đầu tiên tại Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đã được khởi công vào ngày 01/01/2023 với các liên danh nhà thầu được Bộ GTVT chỉ định. Những công ty niêm yết lớn như Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV), Tập đoàn CIENCO4 (C4G), CTCP Lizen (LCG) đều đã được nhận thầu.
Đến ngày 10/01, Bộ GTVT tiếp tục công bố thêm danh sách các liên danh nhà thầu được chỉ định tham gia thi công 13 gói thầu còn lại trong 12 dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2. VCG, C4G, HHV tiếp tục được nhận các gói thầu quy mô lớn. Theo Bộ GTVT, 13 gói thầu này sẽ sớm được thi công từ ngày 15/01/2023.
Theo nhận định của VNDirect, Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 sẽ là cú hích lớn đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng hàng đầu. Trong đó, Hạ tầng giao thông Đèo Cả có nhiều cơ hội tham gia các gói thầu quy mô lớn tại cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 nhờ năng lực thi công ấn tượng, đặc biệt tại các dự án khó như hầm chui, hầm xuyên núi và đường cao tốc. Công ty thường xuyên thi công vượt tiến độ và đã tham gia giải cứu nhiều dự án hạ tầng giao thông “đắp chiếu” nhiều năm.
Việc tham gia các gói thầu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 cũng sẽ là tiền đề cho mảng xây lắp của Hạ tầng giao thông Đèo Cả bứt phát trong giai đoạn 2023-2025.
Ngoài ra, mảng thu phí BOT của công ty cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhờ các hoạt động kinh tế phục hồi sau COVID-19 sẽ là động lực tăng trưởng lưu lượng phương tiện qua trạm BOT và đóng góp mới của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận (bắt đầu thu phí từ tháng 8/2022). Trong dài hạn HHV cũng sẽ được bổ sung nguồn thu từ các dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tân Phú - Bảo Lộc và Hữu Nghị - Chi Lăng.