Tạo cơ chế thông thoáng hơn cho người lao động mua nhà ở xã hội (Ảnh minh họa). |
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, đến nay các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích sàn nhà ở 4.815.000m2.
Bên cạnh đó các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000m2.
Như vậy, dự kiến thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ dồi dào hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số điều kiện được mua nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở 2014 và các văn bản liên quan đã không còn phù hợp với thực tiễn, cần được thay đổi. Theo đó, không ít người đã phải chạy vạy "làm đẹp" hồ sơ, để được mua nhà ở xã hội.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ này chủ trì soạn thảo, Chính phủ trình, đã được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 6 sắp tới. ại đây, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng giảm bớt các thủ tục trong việc xác định đối tượng mua.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, dự thảo lần này đã bỏ tiêu chí về cư trú, theo đó đã là công dân Việt Nam thì chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được quyền mua nhà ở xã hội.
Điều kiện về thu nhập cũng được xem xét theo hướng mở rộng, nâng lên ở mức thu nhập cao hơn so với hiện hành.
Còn đối với điều kiện nhà ở, trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10 m2 thì mới là đối tượng mua nhà ở xã hội, nhưng nay có thể xem xét lên 15 m2/người, giống một số nước trong khu vực.
Dự thảo luật cũng đề cập các chính sách cải cách thủ tục hành chính, nhất là về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.