Quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn không được sự đồng tình |
Ảnh minh hoạ |
Thảo luận tại Hội trường về Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 19/6, vấn đề quy định thời hạn sử dụng, sở hữu nhà cung cư được nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận. Đơn cử, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường cho rằng, vấn đề cải tạo chung cư cũ “không đơn giản tý nào”.
Nguyên nhân sâu xa là do chung cư được sở hữu vĩnh viễn, không có thời hạn. Vì vậy, “người ta có quyền, không đồng ý, thì chúng ta không thể phá dỡ được”. Từ đó, ông Cường đề nghị Luật Nhà ở (sửa đổi) không chỉ quy định “thời hạn sử dụng nhà chung cư cũ theo thời hạn công trình thiết kế, mà phải quy định rất rõ thời hạn sở hữu nhà chung cư phải theo thời hạn của công trình thiết kế”.
Đại biểu chỉ ra 2 lợi ích khi quy định rất rõ thời hạn sở hữu nhà chung cư phải theo thời hạn của công trình thiết kế, thứ nhất, đứng về mặt người dân sở hữu nhà, người ta chỉ trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế đó, không phải trả tiền cho việc sở hữu vô thời hạn nhưng thực chất đến thời hạn phá dỡ người ta vẫn phải tự bỏ tiền ra.
Thứ hai, về mặt xã hội, tránh được tình trạng nhà chung cư hết thời hạn nhưng không cải tạo, sửa chữa được vì chỉ một vài người không đồng tình. Ông Cường đề nghị quy định thời hạn sở hữu theo thời hạn thiết kế, nhưng đi kèm theo đó, nếu đến thời hạn bên thiết kế đánh giá lại, kiểm định lại chất lượng chung cư thấy vẫn tốt, vẫn tồn tại được thì quyền của người sở hữu tiếp tục được kéo dài, không phải bị mất đi.
Đại biểu Đoàn TP Hà Nội phân tích thêm, đất dành cho xây dựng nhà chung cư không nên là đất giao vĩnh viễn mà nên là loại đất cho thuê theo thời hạn xây dựng và cho trả tiền một lần. Khi hết thời hạn xây dựng thì cho thuê lại, giống như quy định về đất cho thuê các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nếu thực hiện được việc này sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế như hiện nay.
Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, việc xác định sở hữu nhà ở chung cư có thời hạn là cần thiết, vì nhà ở có tuổi thọ nhất định, sau thời gian cần được cải tạo, xây mới để bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tiễn vấn đề này khá phức tạp. Do đó, đề nghị Bộ Xây dựng cần thống kê để phân loại các trường hợp, đánh giá tác động kinh tế xã hội một cách khoa học để có thêm cơ sở xem xét.
Còn ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tranh luận rằng, chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn, nên cần khuyến khích xây dựng những chung cư tuổi thọ cao. Ở nước ngoài tuổi thọ chung cư càng ngày càng cao và có thể lên đến 99 năm.
Hiện nay đang tồn tại nhiều chung cư sở hữu không có thời hạn với rất nhiều chủ sở hữu. Do đó, nếu quy định sở hữu chung cư có thời hạn thì dù không hồi tố vẫn phải xử lý các trường hợp này. Từ đó, ông Nghĩa đề nghị phải có phương án là vẫn duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn hoặc sở hữu lâu dài đồng thời với chung cư có thời hạn và để cho người dân được lựa chọn Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xử lý an toàn như thế nào. Cũng theo ông Nghĩa, có thể sở hữu dài hạn nhưng phải tuân thủ sự an toàn vì đó là an toàn chung và khi đó có nhiều cách thức.
Làm rõ một số ý kiến của ĐBQH về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong tờ trình trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 2 phương án là sở hữu nhà chung cư có thời hạn và phương án không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Tuy nhiên, thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.
“Dự thảo luật đã có bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Đồng thời, Bộ trưởng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ hơn các nội dung có liên quan như ý kiến của ĐBQH để đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Sở hữu nhà chung cư là vấn đề nhạy cảm, phải bắt đúng "bệnh" để có đối sách phù hợp |