Một kênh Tiktok cung cấp các dịch vụ BHXH trên mạng xã hội. Ảnh PV chụp màn hình. |
BHXH TP. Hà Nội mới đây phát đi cảnh báo, BHXH quận Thanh Xuân nhận được phản ánh từ người dân về việc đã sử dụng dịch vụ của một kênh Tiktok nhận cấp lại mật khẩu, thay đổi thông tin trong ứng dụng VssID - BHXH số và một số dịch vụ khác như cấp lại sổ, cấp lại tờ rời sau đó thu phí.
Kênh Tiktok đó cam kết thực hiện cấp lại mật khẩu thành công thì người dân mới phải chuyển tiền, tuy nhiên sau khi đưa thông tin cần thiết để làm dịch vụ, người dân không nhận được mật khẩu nên đã không chuyển tiền cho đối tượng.
Qua vụ việc trên, BHXH Thành phố khẳng định, việc cung cấp dịch vụ nêu trên là trái pháp luật. Theo quy định, người dân không phải mất bất cứ khoản phí nào khi thực hiện các thao tác đề nghị cấp lại mật khẩu hay thay đổi thông tin của tài khoản VssID - BHXH số. Các giao dịch như đề nghị cấp lại sổ BHXH, tờ rời sổ BHXH, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (BHYT),... cũng hoàn toàn không mất phí.
Thời gian qua, Nhịp sống Doanh nghiệp/Tạp chí Lao động và Công đoàn cũng đã có nhiều bài viết phản ánh thực trạng tràn lan kênh Tiktok cung cấp các dịch vụ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thu phí công nhân, người lao động từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các kênh Tiktok còn thực hiện thanh lý, thu mua sổ BHXH của công nhân, người lao động; tư vấn sai về các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Luật sư Minh Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, có nhiều hậu quả khi người lao động nghe tư vấn sai về BHXH trên Tiktok.
Cụ thể, người lao động có thể tin và làm theo một cách mù quáng, không đánh giá, kiểm tra lại chính xác về tình trạng hồ sơ, điều kiện thực tế của bản thân mình mà áp dụng máy móc, khiên cưỡng hoặc có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi.
Đối với doanh nghiệp, khi nhưng thông tin sai lệch này bị lan truyền, người lao động dễ theo tâm lý đám đông và có xu hướng kích động biểu tình đồng loạt hoặc cố ý có những hành động chống đối, gây áp lực để buộc doanh nghiệp phải giải quyết chế độ cho họ theo những gì họ đã được tiếp cận và tin tưởng chứ không phải theo quy định và pháp luật.
Đối với cơ quan BHXH thì bị tổn hại về uy tín, danh tiếng, dư luận xã hội không tốt về hoạt động của mình.
"Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi sai phạm mà chủ thể thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý khác nhau. Theo đó, nhẹ là bị xem xét xử lý vi phạm hành chính, nặng là bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời có thể bị xem xét trách nhiệm dân sự liên quan đến bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại thực tế xảy ra là hậu quả trực tiếp từ những hành vi thông tin sai lệch như vậy", Luật sư Minh Anh đưa ra ý kiến.
BHXH TP. Hà Nội khuyến cáo tất cả người dân luôn đề cao cảnh giác trước các hình thức lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội,… Người dân chỉ nên theo dõi các thông tin từ những nguồn chính thống của BHXH Thành phố như Zalo OA, Fanpage Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội (có tick xanh) hay Cổng thông tin điện tử BHXH Thành phố tại địa chỉ https://hanoi.baohiemxahoi.gov.vn. "Khi có bất kì thông tin nào chưa rõ ràng từ những người lạ liên quan đến việc thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN thì liên hệ ngay với cơ quan BHXH nơi gần nhất để được hỗ trợ hoặc Tổng đài của BHXH Việt Nam 1900.9068", BHXH TP. Hà Nội lưu ý. |
Công ty cũ làm "khó dễ" không chốt sổ bảo hiểm xã hội, người lao động cần làm gì? Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, trách nhiệm chốt sổ thuộc đơn vị sử dụng lao động có sự phối hợp của cơ ... |
Người lao động cần những điều kiện gì để được rút bảo hiểm xã hội một lần? Làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân, người lao động thời gian qua có xu hướng ngày càng gia tăng. |
Thủ tục và chi tiết cách tính số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần Muốn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, cần những thủ tục gì? Cách tính số tiền bảo hiểm xã hội một ... |