Ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. |
Cụ thể, ngày 19/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, diễn ra phiên thảo luận với chủ đề nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới. Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay hiện đang sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần là thực trạng rất day dứt. Giai đoạn 2016 - 2022, số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần lên đến khoảng 5 triệu người.
Trong đó, có 1,3 triệu người quay trở lại thị trường lao động, đóng bảo hiểm và giảm 3,7 triệu người không đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian 2016 - 2022.
Theo ông Hồi, số rút bảo hiểm xã hội chủ yếu rơi vào nhóm đóng dưới 5 năm (chiếm gần 70%) và nguyên nhân chính là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội cả cuộc đời.
“Nhiều người lao động vẫn nghĩ hệ thống bảo hiểm xã hội không quan trọng trong tương lai”, ông Hồi nêu thêm.
Bên cạnh đó, người lao động thu nhập thấp, tích lũy thấp nên gặp khó khăn, mất việc làm cần khoản tài chính. Tuy nhiên, số tiền rút được không lớn, với người dưới 5 năm rút được 5 - 10 tháng lương, nhân ra khoảng 25 - 30 triệu.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bộ đã đề xuất điều đầu tiên cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội.
Đồng thời có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội; hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt cũng như tạo thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng chính sách...
Ngoài ra, cần có chính sách giảm thời gian đóng tối thiểu bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm, tăng các chế độ hỗ trợ khác về thai sản, ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp... để người lao động yên tâm tham gia.