Tràn lan kênh Tiktok tư vấn bảo hiểm xã hội, đòi thu người lao động đến 1 triệu đồng
Trốn đóng bảo hiểm cho lao động có thể bị phạt tù đến 7 năm |
Tư vấn sai, đòi thu tiền triệu dịch vụ về bảo hiểm xã hội
Một ngày đầu tháng 4, phóng viên nhận thông tin từ một nữ công nhân ở Khu công nghiệp Đà Nẵng về việc, có kênh Tiktok tư vấn làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội lấy tiền. “Họ bảo chụp hai mặt căn cước công dân, ứng trước vài trăm cho họ rồi gửi mã số bảo hiểm để làm thủ tục chốt sổ cho. Sau đó, họ gửi giấy tờ về tận nhà. Nghe xong tôi không biết có đúng không, sợ mất tiền còn lộ thông tin cá nhân. Tôi vẫn băn khoăn là họ có phải nhân viên của Bảo hiểm xã hội không? Làm dịch vụ thế tiền vào túi ai?”.
Kênh Tiktok hỗ trợ BHXH bảo người dùng nhắn tin để cấp lại mật khẩu VssID. Ảnh chụp màn hình. |
Tiếp nhận thông tin trên, phóng viên Nhịp sống Doanh nghiệp - Tạp chí Lao động và Công đoàn đã truy cập kênh Tiktok có tên “Hỗ trợ BHXH" như nữ công nhân cho biết. Khi vào kênh này, phóng viên ghi nhận kênh này có 325 nghìn lượt thích, hơn 118 nghìn người theo dõi. Trên kênh đã đăng khoảng 70 video tư vấn, giải đáp xoay quanh vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, nhận bảo hiểm thất nghiệp, nghỉ thai sản, nhận tiền thai sản, cấp lại sổ, trùng sổ, gộp sổ bảo hiểm xã hội, thay đổi mật khẩu VssID,... Có video lượt xem vài nghìn đến hơn 2,1 triệu lượt, độ phủ sóng, lan tỏa rất cao.
Mỗi video có hàng chục đến hàng trăm bình luận của người lao động, công nhân. Phóng viên quan sát, các hỏi đáp tập trung nhiều nhất vào việc gộp sổ, chốt sổ bảo hiểm khi nghỉ ngang ở công ty cũ, cấp lại mật khẩu VssID, nghỉ dưỡng thai sản.
Nhiều video kênh này cung cấp thông tin sai về quyền lợi của người lao động. Đơn cử, kênh này đăng tư vấn, sau khi nghỉ xong thai sản trong vòng 30 ngày đầu trở lại làm việc thì được quyền nghỉ dưỡng sức sau sinh với số tiền 5,4 triệu đồng/ngày?!
Trong khi đó, theo Thông tư 59/2015/TT-BHXH, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản quy định một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau: Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên; tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật; tối đa 5 ngày đối với các trường hợp khác.
Số tiền hưởng dưỡng sức sau sinh sẽ được tính theo công thức: Tiền dưỡng sức sau sinh = 30% (x) Mức lương cơ sở (x) số ngày được phép nghỉ.
Mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, lấy ví dụ lao động nữ sinh con, nghỉ dưỡng sức sau ngày 1/7/2023 và có tổng số ngày nghỉ dưỡng sức là 5 ngày thì tiền dưỡng sức sau sinh được tính: 5 x 30% x 1,8 triệu đồng = 2,7 triệu đồng.
Người quản lý kênh Tiktok này hầu hết “lái" người dùng mạng liên hệ riêng vào Zalo có số điện thoại 03434XXXX (gắn trang chủ kênh này) để được tư vấn, hỗ trợ tận tình.
Khi vào Zalo qua số điện thoại trên, phóng viên nhận thấy kênh này có tên người dùng là nam giới. Đóng vai là công nhân cần chốt sổ bảo hiểm xã hội, làm nhanh, phóng viên được báo giá 1 triệu đồng. Sau khi năn nỉ, người này giảm giá còn 800 nghìn đồng và báo thời gian trả kết quả là 15 ngày.
“Gửi số căn cước công dân, bản chụp 2 mặt, số bảo hiểm, địa chỉ tạm trú”, người này yêu cầu phóng viên đồng thời báo cọc 300 nghìn đồng để lên hồ sơ làm chốt sổ.
Khi phóng viên trao đổi rất lo, nếu cọc tiền rồi không làm thì sao, bạn có phải người của Bảo hiểm xã hội không? Người này trấn an làm dịch vụ đã lâu, rất nhiều người làm và chốt kèm câu: “300 nghìn của bạn to quá!”.
Kênh Tiktok đưa các thông tin thanh lý sổ BHXH. Ảnh chụp màn hình. |
Không chỉ trường hợp trên, phóng viên còn ghi nhận, trên mạng xã hội Tiktok còn rất nhiều kênh tư vấn, giải đáp và thực hiện các thủ tục bảo hiểm xã hội có thu phí. Bên cạnh đó, còn thực hiện thanh lý, thu mua, cấp sổ bảo hiểm cho công nhân, người lao động.
Có thể kể đến như kênh “BHXH và Công nhân” có hơn 136 nghìn lượt thích, hơn 61 nghìn người theo dõi. Qua Zalo có số điện thoại là 085317XXXX phóng viên cũng đóng vai là người cần thanh lý sổ bảo hiểm để dò thông tin. Chủ Zalo có tên “Tôi Công nhân” hỏi sổ đã đóng bao lâu, nghỉ lâu chưa? Sau khi phóng viên báo thông tin nửa năm thì chủ tài khoản Zalo trên im lặng.
Sau khi xem nhiều video trên kênh Tiktok này, phóng viên ghi nhận kênh này đăng tải thanh lý ngay cho người lao động nhận tiền khi thanh lý sổ bảo hiểm xã hội đã nghỉ 6 tháng hoặc 7 tháng trở đi.
Luật sư nói gì?
Tư vấn về vấn đề trên, Ths. LS Minh Anh - Công ty Luật TNHH Việt Kim, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội khẳng định, có nhiều hậu quả khi người lao động nghe tư vấn sai về bảo hiểm xã hội trên Tiktok.
Cụ thể, về mặt pháp lý, theo quy định tại Nghị định 89/2020/NĐ-CP, ngày 04/8/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đó là: “đảm bảo cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội”.
Điều này được hiểu là Bảo hiểm xã hội Việt Nam với hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp liên thông sẽ có trách nhiệm giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Để thực hiện được trách nhiệm này thì các cơ quan chuyên môn của Bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất, nhiệm vụ tư vấn, giải thích quy định pháp luật chuyên ngành: thực hiện bởi các cán bộ chuyên trách được đạo tạo bài bản về nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực này khi người lao động hoặc doanh nghiệp có yêu cầu tư vấn đến cơ quan chuyên môn thuộc hệ thống của Bảo hiểm xã hội;
Thứ hai, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật thông qua những kênh thông tin chính thống, đã được kiểm duyệt tính chính xác, đầy đủ, đúng luật của thông tin.
Đây là quyền lợi và trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn về bảo hiểm xã hội, việc những tổ chức, cá nhân không chuyên sử dụng logo, chỉ dẫn kênh tiktok để tạo uy tín, hình ảnh nhằm đăng tải những nội dung không chính thống, chưa được kiểm duyệt để câu view, trục lợi là xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp và uy tín, danh tiếng của các cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi sai phạm mà chủ thể thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý khác nhau: nhẹ là bị xem xét xử lý vi phạm hành chính, nặng là bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời có thể bị xem xét trách nhiệm dân sự liên quan đến bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại thực tế xảy ra là hậu quả trực tiếp từ những hành vi thông tin sai lệch như vậy.
Về ảnh hưởng thực tiễn đối với xã hội, có thể nhận định, khá nhiều nội dung tư vấn Bảo hiểm xã hội trên kênh tiktok trên hầu như đều thiếu căn cứ pháp lý, không được thẩm định kỹ lưỡng do hầu hết đều là các kênh tự phát, mục đích nhằm kéo tìm kiếm nguồn khách hàng sử dụng dịch vụ để trục lợi. Các đường dẫn kênh này đều không được công khai chính thức trên các website chính thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thực trạng này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy cơ.
Đối với người lao động, có thể tin và làm theo công thức tư vấn trên một cách mù quáng, không đánh giá, kiểm tra lại chính xác về tình trạng hồ sơ, điều kiện thực tế của bản thân mình mà áp dụng máy móc, khiên cưỡng hoặc có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi;
Đối với doanh nghiệp, khi nhưng thông tin sai lệch này bị lan truyền, người lao động dễ theo tâm lý đám đông và có xu hướng kích động biểu tình đồng loạt hoặc cố ý có những hành động chống đối, gây áp lực để buộc doanh nghiệp phải giải quyết chế độ cho họ theo những gì họ đã được tiếp cận và tin tưởng chứ không phải theo quy định và pháp luật.
Đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội, bị tổn hại về uy tín, danh tiếng, dư luận xã hội không tốt về hoạt động của cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyên trách.
Ths. LS Minh Anh - Công ty Luật TNHH Việt Kim, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội |
Theo quy định pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi tư vấn sai, đòi thu tiền dịch vụ về bảo hiểm xã hội mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm pháp lý với các chế tài khác nhau, cụ thể:
Nhẹ là bị Xử lý vi phạm hành chính: Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2023/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định về các hành vi bị cấm bao gồm hành vi: “Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Căn cứ điểm a khoản 1và khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông… công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hình thức xử lý khi:
Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn
Theo đó hành vi sử dụng mạng xã hội để cung cấp, đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, thông tin giả mạo sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hình thức Phạt tiền: mức phạt từ 10 – 20.000.000 đồng và bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đã đăng tải.
Nặng là bị Truy cứu trách nhiệm hình sự: Trường hợp Chủ kênh tiktok, tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng lớn về truyền thông, dư luận xã hội đăng tải những thông tin nhằm mục đích chống phá Nhà nước có thể bị xem xét xử lý về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được quy định tại Khoản 1 Điều 117 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
(Video tràn lan kênh Tiktok tư vấn, làm dịch vụ về bảo hiểm xã hội. Video: NHÓM PHÓNG VIÊN).
Cần thiết bổ sung quy định bịt "lỗ hổng"
Cũng theo luật sư Minh Anh, cần thiết bổ sung quy định pháp luật như một giải pháp pháp lý để khắc phục vấn đề này.
Luật sư cho rằng nên hoàn thiện các chế định pháp lý trong Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc Luật chuyên ngành liên quan theo hướng: Nâng cao công tác thẩm định, giám sát thông tin trên không gian mạng của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách; Quy định rõ các chế tài xử lý với các đối tượng sử dụng (chủ kênh) và đối tượng quản lý, phê duyệt nội dung (chủ nền tảng mạng xã hội).
Hướng dẫn người lao động tính tiền đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 Hiện nay, công thức tính tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được xác định như sau: Mức tiền đóng bảo hiểm ... |
Công ty cổ phần Bá Hải nợ đóng bảo hiểm cho lao động hơn 2,3 tỷ đồng Theo công bố của BHXH tỉnh Phú Yên, Công ty CP Bá Hải chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm ... |
Chi tiết những quyền lợi về lao động và bảo hiểm xã hội của lao động nữ Lao động nữ khi tham gia quan hệ lao động có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người lao động, đồng thời, được ... |