Vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm nhân thọ là một điểm cộng để giải ngân
Ngân hàng ‘tung chiêu’ khách vay không mua bảo hiểm đừng hòng được giải ngân |
Có mặt tại ngân hàng này, chị A. được một nữ nhân viên tư vấn giấy tờ thủ tục cần thiết để vay vốn. Sau khi trao đổi sơ bộ về tài sản thế chấp của chị A., nhân viên khẳng định trường hợp này sẽ dễ dàng được vay vốn. Sau 30 phút tư vấn, nhân viên ngân hàng chốt quy trình giấy tờ, thủ tục và cho biết khoảng 2 tuần khoản vay sẽ được giải ngân.
Lúc này, chị A. hỏi kỹ hơn về mức lãi suất vay vốn tại ngân hàng thì nhanh chóng được nhân viên tư vấn chào mời mua bảo hiểm để hưởng ưu đãi. Nhân viên này cho biết, ngân hàng liên kết với bảo hiểm Sun Life (Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam). Cụ thể, trong trường hợp vay 300 triệu đồng của chị A. có tham gia bảo hiểm sẽ được ưu đãi lãi suất 1 %.
Nữ nhân viên nói: "Bên ngân hàng chị nếu em vay có tham gia bảo hiểm sẽ có nhiều ưu đãi hơn. Thứ nhất về lãi suất sẽ được giảm so với mức hiện tại khoảng 1%". Được biết, lãi suất vay tại ngân hàng đang là 11,5%.
Nhân viên tư vấn khoản vay cho chị A. tại ngân hàng. |
Theo người này, việc xem xét mức lãi suất và chốt khách hàng có được vay hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, khách hàng phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ, tài sản thế chấp. Ngoài ra, việc tham gia bảo hiểm của ngân hàng là điểm cộng trong quá trình xem xét hồ sơ vay vốn.
"Bên cạnh đó, mua bảo hiểm hồ sơ vay vốn các thứ sẽ tốt hơn. Khi khách hàng tham gia bảo hiểm sẽ được đánh giá có điều kiện về tài chính, khi xét hồ sơ vay sẽ là một điểm cộng. Bọn chị có rất nhiều tiêu chí để đánh giá khách hàng, thứ nhất là giao dịch tại ngân hàng nhiều, thứ hai khách hàng tham gia bảo hiểm là có sự lo lắng về tài chính lâu dài. Trường hợp khách vay (lao động chính tạo ra thu nhập) gặp rủi ro sẽ có bên bảo hiểm chi trả", nhân viên ngân hàng phân tích.
Do đã tham gia bảo hiểm từ trước, chị A. đặt vấn đề chỉ có thể mua gói bảo hiểm cho mẹ. Nhân viên cho hay điều này ngân hàng sẽ càng đánh giá cao bởi khách hàng có điều kiện tài chính mua bảo hiểm cho cả người thân.
Ngay sau đó, nữ nhân viên giới thiệu chị A. sang bộ phận tư vấn bảo hiểm. Sau khi cân đo đóng đếm, chuyên viên tư vấn mua gói bảo hiểm phù hợp nhất với chị A. là có mức phí từ 25 - 30 triệu đồng/năm.
Thế nhưng, chị A. đưa ra thắc mắc việc mua bảo hiểm qua ngân hàng sẽ không đảm bảo được chính sách hỗ trợ, chăm sóc như tại các đại lý chuyên về bảo hiểm, nhân viên liền lắc đầu phản đối. Nhân viên này cho hay, khi gặp vấn đề khách hàng sẽ liên hệ chủ động với nhân viên tư vấn khoản vay hoặc nhân viên tư vấn bảo hiểm tại ngân hàng.Trong trường hợp không liên hệ với nhân viên, khách hàng đến phòng giao dịch bất kỳ của ngân hàng này bảo có hợp đồng bảo hiểm cần giải quyết. Bởi vì, ngân hàng còn có phòng liên kết bảo hiểm riêng. Tất cả chi nhánh phòng giao dịch đều có nhân viên của ngân hàng nhưng phụ trách bên bảo hiểm để xử lý các vấn đề liên quan.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đồng loạt 'ra tay' xử lý ngân hàng ép người vay mua bảo hiểm. Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng đã trao đổi, làm việc, thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cung cấp 2 số điện thoại đường dây nóng là: (024) 388266344; (024) 3936.1017. Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn. Đường dây nóng của Bộ Tài chính là: 024.22208018. hoặc Email: duongdaynongbaohiem@mof.gov.vn
Ngân hàng ép mua bảo hiểm: Sẽ chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu hình sự |