Yêu cầu nắm bắt kịp thời tình hình lao động, việc làm sau kỳ nghỉ Tết
Lời khuyên cho ứng viên muốn có việc làm tốt, thu nhập cao trong năm 2024 Những nghị định về lao động, việc làm, tiền lương được yêu cầu hoàn thành năm 2024 |
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo Chỉ thị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là các bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế trực cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh; các cán bộ, chiến sỹ không quản ngại khó khăn, ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân; công nhân vệ sinh môi trường, người lao động trực, làm việc, thi công xuyên Tết, "3 ca, 4 kíp" trên các công trường, nhà máy,… để đất nước ta luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn,…
Người lao động làm việc trong một công ty dệt may. Ảnh minh họa: N.L. |
Theo Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện thực chất cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định kinh doanh.
Kịp thời khen thưởng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng phù hợp để ghi nhận, động viên các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có thành tích nổi bật, xuất sắc và tinh thần phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.
Điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạ lãi suất cho vay, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, góp phần hạn chế "tín dụng đen".
Tiếp tục thực hiện các giải pháp để triển khai các chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ; 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản,...
Nắm bắt kịp thời tình hình lao động, việc làm sau kỳ nghỉ Tết
Liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, nắm bắt kịp thời tình hình lao động, việc làm sau kỳ nghỉ Tết tại các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp để có giải pháp thu hút lao động quay trở lại làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động cục bộ, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tổ chức Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội trong tháng 2/2024; tập trung nguồn lực hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đối với các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Sớm hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ được khai thác theo cơ chế đặc thù để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt giá thanh toán cho nhà thầu.
Chỉ thị nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết. Thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, không tổ chức du xuân, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả công việc.
Xem video: Năm mới và những mong ước giản dị
Tình hình quan hệ lao động trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các cấp công đoàn đã tích cực triển khai các hoạt động, tham gia ổn định tình hình ... |
Những quy định liên quan đến kỳ nghỉ Tết người lao động cần biết Lương làm thêm giờ ngày lễ, Tết được tính thế nào? Người lao động có được ứng lương trước Tết hay không? Dưới đây là ... |
Những nghị định về lao động, việc làm, tiền lương được yêu cầu hoàn thành năm 2024 Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu hoàn thành xây dựng vị trí việc làm trước 31/3/2024; Nghị định quy định chế độ ... |