10 xu hướng công nghệ chiến lược định hình tương lai của doanh nghiệp
Tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp |
10 xu hướng công nghệ được Gartner lựa chọn dựa trên tiềm năng của chúng trong việc phá vỡ các mô hình kinh doanh truyền thống, cho phép các hình thức chuyển đổi mới và giải quyết những thách thức cấp bách nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay. Chúng đại diện cho các yêu cầu chiến lược đòi hỏi sự cân nhắc kỹ càng và hành động quyết đoán.
Phó Chủ tịch kiêm chuyên gia phân tích Gene Alvarez tại Gartner cho biết: “Các xu hướng công nghệ chiến lược hàng đầu trong thời gian tới bao gồm những yêu cầu nâng cao, rủi ro của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ranh giới mới của điện toán và sự phối hợp giữa con người và máy móc. Việc cập nhật các xu hướng này sẽ giúp các nhà lãnh đạo định hình tương lai của doanh nghiệp bằng sự đổi mới có trách nhiệm và có đạo đức”.
Sự phát triển của công nghệ sẽ tiếp tục thay đổi cách chúng ta làm việc và sống, mở ra những cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Các doanh nghiệp và nhà lãnh đạo cần phải luôn cập nhật và điều chỉnh chiến lược công nghệ của mình để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng số này.
Các nhà lãnh đạo cần nắm bắt xu hướng công nghệ nổi bật để lựa chọn những công nghệ phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của doanh nghiệp. |
Theo đó, các xu hướng công nghệ chiến lược hàng đầu trong thời gian tới mà doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm gồm:
Tác nhân AI
Tác nhân AI (Agentic AI) là hệ thống AI được thiết kế để tự động theo đuổi các mục tiêu và quy trình làm việc phức tạp với sự giám sát của con người. Nó thể hiện khả năng ra quyết định, lập kế hoạch và thực hiện thích ứng tự động để hoàn thành các quy trình nhiều bước.
Về bản chất, tác nhân AI hướng đến mục tiêu hoạt động giống một nhân viên (là con người) hơn - hiểu ngữ cảnh và hướng dẫn bằng ngôn ngữ tự nhiên, đặt ra các mục tiêu phù hợp, lý luận thông qua các nhiệm vụ phụ và điều chỉnh các quyết định và hành động dựa trên các điều kiện thay đổi.
Tất cả các khả năng này cho phép Agentic AI hoạt động tự chủ, chủ động và thông minh khi giải quyết các mục tiêu phức tạp, hiện thực hóa mong muốn của các lãnh đạo doanh nghiệp trong việc tăng năng suất lao động.
AI tác nhân hứa hẹn về một lực lượng lao động (ảo) tăng cường giúp giảm tải công việc của con người. Gartner dự đoán, đến năm 2028, ít nhất 15% các quyết định công việc hàng ngày sẽ được đưa ra một cách tự động thông qua Agentic AI, tăng từ 0% vào năm 2024.
Nền tảng quản trị AI
Nền tảng quản trị AI cung cấp các quy trình, tiêu chuẩn và hàng rào bảo vệ giúp đảm bảo các hệ thống và công cụ AI hoạt động an toàn và có đạo đức. Các khuôn khổ quản trị AI chỉ đạo nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI để giúp đảm bảo an toàn, công bằng và tôn trọng quyền con người.
AI là sản phẩm do con người tạo ra, nên nó dễ bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị và lỗi của con người, có thể dẫn đến phân biệt đối xử đối với những cá nhân khác nhau. Vì vậy, những nền tảng này giải quyết các khiếm khuyết cố hữu phát sinh từ yếu tố con người trong quá trình tạo và duy trì hoạt động của AI. Điều này giúp đảm bảo rằng các thuật toán học máy luôn được giám sát, đánh giá và cập nhật để ngăn ngừa các quyết định sai hoặc có hại; các tập dữ liệu được đào tạo và duy trì tốt.
Nền tảng quản trị AI cho phép các tổ chức quản lý hoạt động của các hệ thống AI một cách hiệu quả, minh bạch, công bằng và tuân thủ pháp luật.
Gartner dự đoán rằng đến năm 2028, các tổ chức triển khai nền tảng quản trị AI toàn diện sẽ giảm 40% các sự cố đạo đức liên quan đến AI so với các tổ chức không có hệ thống này.
Công cụ chống lại thông tin sai lệch
Ngăn chặn thông tin sai lệch là một loại công nghệ mới nổi có khả năng phân biệt, đánh giá tính xác thực, ngăn chặn hành vi mạo danh và theo dõi sự lan truyền của thông tin xấu, độc hại.
HIện nay, các công cụ AI và máy học không chỉ trao quyền cho các doanh nghiệp tự động hóa quy trình của họ. Chúng còn trang bị cho những kẻ xấu các công cụ mạnh mẽ để tạo nội dung cho các chiến dịch thông tin sai lệch, gây hiểu lầm tấn công vào doanh nghiệp.
Là mối đe dọa toàn cầu, các chiến dịch thông tin sai lệch có khả năng lan truyền với tốc độ cực nhanh trên phương tiện truyền thông xã hội và dẫn đến tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp. Vì vậy, công cụ ngăn chặn thông tin sai lệch sẽ dần trở thành nội dung không thể thiếu trong kế hoạch ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đến năm 2028, Gartner dự đoán rằng 50% doanh nghiệp sẽ bắt đầu áp dụng các sản phẩm, dịch vụ hoặc tính năng được thiết kế riêng để bảo mật thông tin, ngăn chặn thông tin sai lệch, tăng từ mức dưới 5% hiện nay.
Mật mã hậu lượng tử
Mật mã hậu lượng tử (hoặc chứng minh lượng tử, an toàn lượng tử)- Postquantum cryptography - là sự phát triển của các thuật toán mật mã hiện được đánh giá là an toàn trước cuộc tấn công phân tích mật mã của máy tính lượng tử.
Khi sự phát triển của máy tính lượng tử tiến triển trong vài năm qua, dự kiến sẽ có sự kết thúc của một số loại mật mã thông thường được sử dụng rộng rãi. Không dễ để chuyển đổi các phương pháp mật mã nên các doanh nghiệp phải có thời gian chuẩn bị lâu hơn để sẵn sàng bảo vệ mạnh mẽ những dữ liệu nhạy cảm, bí mật.
Gartner dự đoán rằng đến năm 2029, những tiến bộ trong máy tính lượng tử sẽ khiến hầu hết các loại mật mã bất đối xứng thông thường trở nên không an toàn khi sử dụng. Khi đó, mật mã hậu lượng tử sẽ cung cấp khả năng bảo vệ dữ liệu chống lại rủi ro giải mã máy tính lượng tử.
Không gian thông minh
Không gian thông minh vô hình (Ambient invisible intelligence) là một công nghệ mới nổi với mục đích đưa điện toán phổ biến, AI và mạng cảm biến vào cuộc sống của con người. Hệ thống AI tinh vi này giúp phát hiện và phản ứng với sự hiện diện của con người.
Công nghệ không gian thông minh được kích hoạt bằng các thẻ thông minh, cung cấp khả năng theo dõi và cảm biến trên quy mô lớn. Về lâu dài, trí thông minh vô hình xung quanh sẽ cho phép tích hợp sâu hơn cảm biến và trí thông minh vào cuộc sống hàng ngày.
Theo Gartner, đến năm 2027, không gian thông minh sẽ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề cấp bách, chẳng hạn như kiểm tra hàng tồn kho bán lẻ, bằng cách cho phép theo dõi và cảm biến các mặt hàng theo thời gian thực, chi phí thấp để cải thiện khả năng hiển thị và hiệu quả.
Điện toán tiết kiệm năng lượng
Các ứng dụng tính toán chuyên sâu như đào tạo AI tiêu thụ nhiều năng lượng và là một trong những tác nhân tạo ra khí thải carbon. Vì vậy, các nhà khoa học máy tính đang tìm cách giảm năng lượng sử dụng trong tính toán - một thay đổi có thể dẫn đến máy tính xách tay và thiết bị di động nhỏ hơn và nhẹ hơn, tỏa ít nhiệt hơn và thực hiện các phép tính phức tạp với tốc độ chưa từng có. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh bằng toán học rằng những sửa đổi phần cứng tương đối đơn giản có thể cắt giảm một nửa năng lượng tiêu thụ khi chạy các quy trình phần mềm tiêu chuẩn hiện nay.
Dự kiến bắt đầu từ cuối thập kỷ này, một số công nghệ tính toán mới tiêu tốn ít năng lượng hơn đáng kể sẽ xuất hiện và được sử dụng cho các tác vụ đặc biệt liên quan đến đào tạo AI.
Điện toán lai
Mô hình điện toán lai (Hybrid computing) cho phép các doanh nghiệp tận dụng tốt nhất điện toán đám mây công cộng và riêng tư bằng cách tích hợp chúng. Người dùng có thể lưu trữ dữ liệu nhạy cảm trên các máy chủ đám mây riêng và sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng để chạy các ứng dụng và phân tích.
Hiện nay, phần lớn các công ty công nghiệp và sản xuất có xu hướng sử dụng mô hình điện toán lai khi có kế hoạch đầu tư vào phát triển sản xuất thông minh.
Các mô hình điện toán lai mới liên tục xuất hiện bao gồm các đơn vị xử lý trung tâm, đơn vị xử lý đồ họa, biên, mạch tích hợp... Điện toán lai kết hợp các cơ chế tính toán, lưu trữ và mạng khác nhau để giải quyết các vấn đề tính toán. Hình thức điện toán này giúp các nhà lãnh đạo khám phá và giải quyết nhiều vấn đề của doanh nghiệp.
Điện toán không gian
Điện toán không gian là kỹ thuật tương tác giữa người và máy tính mà người dùng cảm nhận như đang diễn ra trong thế giới thực, trong và xung quanh cơ thể tự nhiên và môi trường vật lý của họ. Thông qua điện toán không gian, con người không còn đứng ngoài cuộc khi tương tác với máy tính.
Việc sử dụng điện toán không gian sẽ tăng hiệu quả của các doanh nghiệp trong 5 đến 7 năm tới thông qua quy trình làm việc hợp lý và tăng cường cộng tác.
Đến năm 2033, Gartner dự đoán quy mô của điện toán không gian sẽ tăng lên 1,7 nghìn tỷ USD, tăng từ 110 tỷ USD vào năm 2023.
Robot đa chức năng
Những robot đa năng có hình dạng và phần mềm thông minh cho phép chúng thực hiện nhiều hơn một nhiệm vụ và đủ linh hoạt để học cách hoàn thành các nhiệm vụ mới không nằm trong thiết kế hoặc lập trình ban đầu của chúng.
HIện tại, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng robot đơn chức năng giúp giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động, giảm chi phí và tăng hiệu quả. Với sự phát triển của các robot có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau, các doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng giá trị mà những cỗ máy này mang lại.
Gartner dự đoán, quá trình áp dụng robot đa chức năng của doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh. Đến năm 2030, 80% con người sẽ tương tác với robot thông minh hàng ngày, tăng từ mức dưới 10% hiện nay.
Tăng cường công nghệ neuron thần kinh
Cuộc đua phát triển khả năng cải thiện công nghệ neuron thần kinh vẫn đang diễn ra. Những công nghệ này có thể ”đọc” não của cong người (đo trạng thái của não) và ở mức độ ngày càng tăng, nó có thể “viết” vào não (sửa đổi trạng thái của não).
Công nghệ neuron thần kinh đang phát triển nhanh chóng, tạo ra cuộc cách mạng hóa việc tiếp thu kỹ năng của người lao động, cho phép các doanh nghiệp theo dõi và cải thiện hiệu suất của nhân viên và sự gắn kết của khách hàng.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thậm chí có thể kiếm tiền từ suy nghĩ và cảm xúc của khách hàng.
Gartner dự đoán, đến năm 2030, 30% lao động trí thức sẽ phụ thuộc vào các công nghệ tăng cường neuron thần kinh để duy trì sự phù hợp với sự “xâm nhập” của AI tại nơi làm việc, tăng từ mức dưới 1% vào năm 2024.
Theo các chuyên gia của Gartner, việc xây dựng một chiến lược công nghệ bền vững không chỉ đơn thuần là theo đuổi những công nghệ mới nhất, mà còn phải đảm bảo rằng các giải pháp này thực sự mang lại giá trị lâu dài cho doanh nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực để nhanh chóng triển khai các ứng dụng AI tạo sinh và các chiến lược tự động hóa nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Với tốc độ đổi mới công nghệ ngày càng tăng, các nhà điều hành phải đánh giá được tác động và lợi ích của các xu hướng công nghệ chiến lược, từ đó có các khoản đầu tư xứng đáng vào những công nghệ giúp duy trì sự thành công cho doanh nghiệp.
Tăng trưởng sẽ là xu hướng chủ đạo của ngành công nghệ trong nửa cuối năm 2024 Theo khảo sát doanh nghiệp công nghệ của Vietnam Report, 100% số doanh nghiệp đồng thuận rằng tăng trưởng vẫn sẽ là xu hướng chủ ... |
Vinh danh top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam năm 2024 Ngày 21/9/2024, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) tổ chức Lễ công bố, vinh danh Top 10 ... |
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) là yêu cầu ... |