Khuyến cáo người lao động lựa chọn bánh kẹo Trung thu an toàn |
Triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung Thu trên địa bàn năm 2024, các đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh bánh Trung thu có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, ngày 22/8, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Công an Quận Hà Đông đã kiểm tra và phát hiện 1.408 chiếc bánh Trung thu tại địa điểm kinh doanh thực phẩm ở phường Mộ Lao (Hà Đông). Số bánh Trung thu trên do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Toàn bộ hàng hoá đã bị thu giữ để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng Quản lý thị trường của Hà Nội phát hiện gần 5.000 bánh Trung thu nhập lậu trong cao điểm kiểm tra thị trường dịp Tết Trung thu năm 2024. Ảnh: Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội |
Trước đó, ngày 21/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 cho biết thời gian gần đây đã kiểm tra, xử lý 4 vụ vi phạm hàng hóa là bánh Trung thu; số lượng bánh Trung thu nhập lậu buộc tiêu hủy gần 5.000 chiếc; trị giá hàng hóa gần 50.000.000 đồng.
Ngày 13/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 24 kiểm tra cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại xã La Phù (huyện Hoài Đức) và thu giữ 240 bánh Trung thu, 72 gói bánh kem xốp do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Toàn bộ số hàng hoá có dấu hiệu vi phạm trên đều bị tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong ngày 6 và 7/8, Đoàn kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo 389 quận Ba Đình do Đội Quản lý thị trường số 3 làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra liên tiếp 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận, phát hiện hàng trăm sản phẩm bánh, kẹo có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, gồm: 400 chiếc bánh nướng, 321 sản phẩm bánh, kẹo các loại. Toàn bộ số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.
Một số sản phẩm bánh Trung thu có dấu hiệu nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội |
Ngày 13/8/2024, Phó Tổng Cục trưởng Chu Thị Thu Hương đã ký ban hành Văn bản gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hoá đến hết năm 2024.
Theo đó, để phòng ngừa, ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em...
Người tiêu dùng cần bảo quản và sử dụng bánh Trung thu theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì. Ảnh minh họa: Sheraton |
Đối với mặt hàng bánh Trung thu, trong giai đoạn trước Tết Trung thu, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu, nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Trong dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố lưu ý kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hoá, công bố tiêu chuẩn chất lượng,..; xử lý nghiêm các vi phạm và công bố công khai tên các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trên thị trường hiện này, bên cạnh những cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất theo quy định, trên thị trường vẫn còn xuất hiện rất nhiều cơ sở không tuân thủ các quy định, quy trình sản xuất bánh Trung thu đảm bảo chất lượng. Một số cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất.
Vì vậy, người tiêu dùng khi lựa chọn bánh Trung thu cần trang bị cho mình kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm với các tiêu chí sau:
Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, cần sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Cách bảo quản và sử dụng bánh Trung thu: Bánh cần được bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như: đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có). Bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Người dân chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Ngoài ra, không nên ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi có những bất thường về sức khỏe liên quan đến thực phẩm, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.
Tham khảo thêm:
Buôn lậu bánh trung thu rục rịch vào mùa Dù còn tới hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng một số cơ sở kinh doanh đã bắt đầu nhập lậu bánh ... |
Gần 1.400 bánh trung thu không nhãn mác suýt tuồn ra thị trường Công an quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng vừa phát hiện và thu giữ lô hàng gần 1.400 bánh trung thu các loại không in ... |
KIDO “tái xuất” trong ngành bánh trung thu, dự kiến tung ra 300 tấn Sau hơn 7 năm bán mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại, KIDO trở lại đường đua ngành bánh trung thu với mục tiêu nắm ... |