Đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: LĐ&CĐ. |
Vừa qua, chuyên trang Nhịp sống Doanh nghiệp - Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có bài viết “Tràn lan kênh Tiktok tư vấn bảo hiểm xã hội, đòi thu người lao động đến 1 triệu đồng”. Bài viết phản ánh việc nở rộ các kênh Tiktok làm video tư vấn về các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thai sản… Đáng chú ý, các kênh này đăng tải nhiều nội dung tư vấn sai và mời gọi công nhân, người lao động dùng dịch vụ tốn tiền từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng. Hậu quả việc này có thể khiến công nhân, người lao động hiểu sai lệch, tin và thực hiện theo, mất tiền bạc, thời gian, công sức.
Trước việc này, phóng viên Nhịp sống Doanh nghiệp/Tạp chí Lao động và Công đoàn đã phỏng vấn đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đồng chí Lê Đình Quảng cho biết, thời gian qua, ông đã nhận được thông tin người lao động bị lừa khi làm dịch vụ bảo hiểm xã hội từ nhiều nguồn tin, đặc biệt là khi làm các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp hay rút bảo hiểm xã hội một lần.
"Tôi cho rằng đây là vấn đề đáng quan tâm để cơ quan chức năng cũng như tổ chức Công đoàn xử lý, giải quyết quyền lợi cho người lao động, tránh các "bẫy" lừa đảo khiến người lao động thiệt đơn thiệt kép", đồng chí Lê Đình Quảng nhấn mạnh.
Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam phân tích, nhiều người lao động chưa nắm rõ được các chính sách bảo hiểm xã hội, quyền lợi thiết thân của mình nên tìm đến các dịch vụ không uy tín này. Đây được xem như "khiếm khuyết" dẫn đến một lỗ hổng rất lớn của truyền thông, cơ quan chức năng khiến người lao động chưa tiệm cận được thông tin chính thống, dễ hiểu, phù hợp với điều kiện của họ.
Từ khoảng trống và sự thiếu hiểu biết đó cộng với một số dư luận sai lệch về việc sửa quy định rút bảo hiểm xã hội một lần đang được bàn tới tại dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) nên người lao động đang gặp khó khăn có thể tìm đến phương án giải quyết để lo cho vấn đề cơm áo gạo tiền trước mắt để rồi bị lừa bởi những dịch vụ không uy tín. Tình trạng người lao động tiếp cận thông tin không chính thống, không chính xác cũng đẩy tâm lý hoang mang của họ lên cao từ đó tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao.
Qua phân tích trên, đồng chí Lê Đình Quảng nhấn mạnh: "Như vậy, rõ ràng đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện quyền lợi của người lao động, cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân để chúng ta đề ra những giải pháp.
Theo tôi, giải pháp đầu tiên là tăng cường hệ thống truyền thông chính thống, lấp chỗ trống bằng cách truyền thông sâu, rộng đến người lao động. Hình thức truyền thông của chúng ta nhiều còn khô cứng, vì vậy cần truyền thông cần dễ hiểu. Khi chúng ta làm tốt điều này thì rõ ràng đất lừa đảo của các dịch vụ này trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok sẽ bị thu hẹp lại.
Thứ hai, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để quản lý nội dung mạnh mẽ hơn nữa các trang mạng xã hội kể kịp thời phát hiện các kênh, các tài khoản chứa nội dung sai lệch, thực hiện các dịch vụ lừa đảo,... và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
Về phía công đoàn, cũng nỗ lực tham gia hơn nữa để giúp người lao động có việc làm bền vững, thu nhập tốt hơn. Đặc biệt là các cơ chế hỗ trợ người lao động khi người lao động gặp rủi ro mất việc làm. Các cấp, cán bộ Công đoàn cần tiếp cận tuyên truyền, có các việc làm để nhận thức người lao động tốt hơn, hiểu rõ về chính sách, pháp luật, quyền lợi; tuyên truyền rõ các thủ đoạn trục lợi nhắm đến người lao động để họ cảnh giác".
Luật sư Minh Anh - Công ty Luật TNHH Việt Kim, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khẳng định, có nhiều hậu quả khi người lao động nghe tư vấn sai về bảo hiểm xã hội trên Tiktok.
Cụ thể, người lao động có thể tin và làm theo công thức tư vấn trên một cách mù quáng, không đánh giá, kiểm tra lại chính xác về tình trạng hồ sơ, điều kiện thực tế của bản thân mình mà áp dụng máy móc, khiên cưỡng hoặc có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi.
Đối với doanh nghiệp, khi nhưng thông tin sai lệch này bị lan truyền, người lao động dễ theo tâm lý đám đông và có xu hướng kích động biểu tình đồng loạt hoặc cố ý có những hành động chống đối, gây áp lực để buộc doanh nghiệp phải giải quyết chế độ cho họ theo những gì họ đã được tiếp cận và tin tưởng chứ không phải theo quy định và pháp luật.
Đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội, bị tổn hại về uy tín, danh tiếng, dư luận xã hội không tốt về hoạt động của cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyên trách.
"Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi sai phạm mà chủ thể thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý khác nhau. Theo đó, nhẹ là bị xem xét xử lý vi phạm hành chính, nặng là bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời có thể bị xem xét trách nhiệm dân sự liên quan đến bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại thực tế xảy ra là hậu quả trực tiếp từ những hành vi thông tin sai lệch như vậy", Luật sư Minh Anh đưa ra ý kiến.
Phỏng vấn đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động. Video: MINH NGUYỆT - NGUYỄN LUẬN.
Tràn lan kênh Tiktok tư vấn bảo hiểm xã hội, đòi thu người lao động đến 1 triệu đồng Trên mạng xã hội Tiktok, có nhiều kênh Tiktok được lập ra đăng tải các video tư vấn về các chế độ bảo hiểm xã ... |