Phát hiện một trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 17 Luật BHXH số 58/2014/QH13 về hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, BHTN. Ảnh minh họa: I.E. |
Vừa qua, BHXH tỉnh Đồng Nai có công văn gửi đến một công ty đóng trên địa bàn tỉnh này thông báo về việc xác minh chứng từ giải quyết chế độ thai sản của bà L., là người lao động của công ty.
Theo công văn, qua xác minh đã phát hiện việc bà L. vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 17 Luật BHXH số 58/2014/QH13 về hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, BHTN.
Cụ thể, bản sao chứng thực giấy khai sinh của con bà L. không phải của UBND xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum chứng thực.
Thông tin trên giấy khai sinh thể hiện bà L. sinh năm 2000 không trùng khớp với thông tin đăng ký khai sinh tại UBND xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk. Cụ thể, hồ sơ lưu trữ tại xã Bình Thuận của bà L. là sinh ngày 14/4/2004.
Vì vậy, bà L. cung cấp bản sao giấy khai sinh của con không đúng quy định đã vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 17 Luật BHXH.
Để đảm bảo việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động theo đúng quy định, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHXH tỉnh Đồng Nai đã đề nghị công ty nơi trường hợp trên làm việc phối hợp cơ quan có chức năng làm rõ và xử lý nghiêm đối với các trường hợp làm giả, mua bán, sử dụng chứng từ không đúng quy định để thanh toán chế độ BHXH.
Bên cạnh đó, công ty thông báo đến toàn thể người lao động trong đơn vị được biết để thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tránh tái diễn tình trạng tương tự.
Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia BHXH bắt buộc được nhận khi người lao động hoặc vợ của người lao động mang thai, sinh con. Chế độ nhằm bảo đảm, hỗ trợ một phần thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhiều tổ chức, cá nhân đã trục lợi, lạm dụng...
Điều 17 Luật BHXH số 58/2014/QH13 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
1. Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.
2. Chậm đóng tiền BHXH, BHTN.
3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN.
4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, BHTN.
5. Sử dụng quỹ BHXH, quỹ BHTN không đúng pháp luật.
6. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.
7. Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về BHXH, BHTN.
8. Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về BHXH, BHTN.
Theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.
Đối với người sử dụng có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ để trục lợi BHXH, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mỗi hồ sơ hưởng BHXH làm giả, làm sai lệch nội dung bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Đồng thời phải nộp lại khoản tiền đã trục lợi cho cơ quan BHXH.
Ngoài ra, Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội gian lận BHXH, BHTN với mức hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Mức hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điểm a, khoản 1, điều 39 Luật BHXH 2014 như sau: “Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH”. Trong đó “Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn”. Ngoài ra điều 38 Luật BHXH 2014 quy định: “Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi”. Nghĩa là số tiền trợ cấp thai sản khi sinh con = (Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi sinh x 6) + trợ cấp 1 lần (2 tháng lương tối thiểu). |
Xem thêm: 5 quyền lợi bị mất khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần
Các chế độ đối với lao động nữ mang thai và các mức được hưởng khi sinh con Tại chương trình giao lưu trực tuyến "Giải đáp các thắc mắc về chế độ BHXH (BHXH)", bà Trương Thanh Phương - ... |