BHXH tỉnh Bình Dương cảnh báo mạo danh trang mạng xã hội của cơ quan và viên chức BHXH để trục lợi, lừa đảo. Ảnh: ĐV. |
Theo BHXH tỉnh Bình Dương, khi truy cập trên trang Facebook cá nhân, tìm kiếm bằng từ khoá “BHXH Bình Dương” hoặc “Bảo hiểm xã hội Bình Dương”, dễ dàng thấy các trang Facebook cá nhân, nhóm công khai liên quan đến việc tư vấn, giải quyết nhu cầu hưởng BHXH một lần và các chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
Các nhóm hỗ trợ, thanh lý sổ BHXH, tư vấn, giải quyết hộ các loại hồ sơ, giấy tờ có tốn phí, hoa hồng, cầm cố, mua bán,… diễn ra công khai và sôi nổi, có cả số điện thoại liên hệ trên trang Facebook, Zalo,...
Nghiêm trọng hơn là việc mạo danh tài khoản cá nhân của CBCCVC trong ngành BHXH, làm ảnh hưởng đến uy tín và giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước nói chung và ngành BHXH nói riêng.
BHXH tỉnh Bình Dương đề nghị các đơn vị, người dân khi cần tư vấn, giải quyết các hồ sơ, thủ tục, chế độ chính sách BHXH, BHTN, BHYT, cần liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH hoặc qua các trang Website, Zalo, Facebook, số điện thoại,…chính thống của ngành BHXH Việt Nam.
BHXH tỉnh Bình Dương thông báo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến đến các đơn vị, người dân đề cao tinh thần cảnh giác khi cần tư vấn, giải quyết các hồ sơ, thủ tục, chế độ chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
Người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách BHXH, BHTN, BHYT, thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn phạm tội, lừa đảo trên các phương tiện, thông tin đại chúng, nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về BHXH.
Người dân có thể trình báo sự việc với cơ quan Công an hoặc báo về phòng Truyền thông BHXH tỉnh Bình Dương thông qua số điện thoại 0274.3667057 khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi phạm tội trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 15/11/2023, BHXH tỉnh Bình Dương cũng đã phát hành thông tin báo chí với nội dung cảnh báo việc sửa thông tin liên hệ cơ quan BHXH, lừa đảo người dân gọi đến Tổng đài giá cước cao gửi các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương và BHXH các huyện, thị xã, thành phố nhằm truyền thông cảnh báo tới người dân. BHXH tỉnh đã có văn bản gửi Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đề nghị ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi mạo danh cơ quan BHXH nhưng các hoạt động này vẫn công khai và diễn ra liên tiếp như trên.
Trong diễn biến liên quan, vừa qua, Nhịp sống Doanh nghiệp/Tạp chí Lao động và Công đoàn cũng đã có bài viết phản ánh "Tràn lan kênh Tiktok tư vấn BHXH, đòi thu người lao động đến 1 triệu đồng". Các kênh Tiktok lập ra đã có nhiều nội dung tư vấn BHXH sai, còn thu tiền dịch vụ của người lao động để thực hiện các dịch vụ rút BHXH một lần, nhận bảo hiểm thất nghiệp, nghỉ thai sản, nhận tiền thai sản, cấp lại sổ, trùng sổ, gộp sổ BHXH,...
Theo Luật sư Minh Anh - Công ty Luật TNHH Việt Kim, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, khá nhiều nội dung tư vấn BHXH trên kênh Tiktok trên hầu như đều thiếu căn cứ pháp lý, không được thẩm định kỹ lưỡng do hầu hết đều là các kênh tự phát, mục đích nhằm kéo tìm kiếm nguồn khách hàng sử dụng dịch vụ để trục lợi. Các đường dẫn kênh này đều không được công khai chính thức trên các website chính thống của BHXH Việt Nam. Thực trạng này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy cơ.
Đối với người lao động, có thể tin và làm theo tư vấn một cách mù quáng, không đánh giá, kiểm tra lại chính xác về tình trạng hồ sơ, điều kiện thực tế của bản thân mình mà áp dụng máy móc, khiên cưỡng hoặc có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi.
Đối với doanh nghiệp, khi nhưng thông tin sai lệch này bị lan truyền, người lao động dễ theo tâm lý đám đông và có xu hướng kích động biểu tình đồng loạt hoặc cố ý có những hành động chống đối, gây áp lực để buộc doanh nghiệp phải giải quyết chế độ cho họ theo những gì họ đã được tiếp cận và tin tưởng chứ không phải theo quy định và pháp luật.
Đối với cơ quan BHXH, bị tổn hại về uy tín, danh tiếng, dư luận xã hội không tốt về hoạt động của cơ quan BHXH chuyên trách.
Đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trước việc tràn lan kênh Tiktok tư vấn sai, thu tiền dịch vụ BHXH khiến công nhân, người lao động có thể “tiền mất tật mang", cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc xử lý các trang mạng cung cấp thông tin sai lệch đó. Bên cạnh đó, các cấp, cán bộ Công đoàn cần phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức hơn nữa cho đoàn viên, người lao động để cảnh giác, ngăn ngừa hậu quả.
Xem thêm: 5 quyền lợi bị mất khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần
Cần xử lý nghiêm các kênh Tiktok tư vấn sai, thu tiền dịch vụ bảo hiểm xã hội Đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho rằng, trước ... |