Chân dung doanh nghiệp xuất khẩu lao động: Biết gì về Công ty CP Nhân lực Kim Minh?
Thông tin về Công ty CP Nhân lực Kim Minh. Nguồn: DOLAB. Ảnh chụp màn hình. |
Nhịp sống Doanh nghiệp ghi nhận, Công ty CP Nhân lực Kim Minh tiền thân là Công ty CP Quốc tế Kim Minh, thành lập ngày 18/03/2019. Đến tháng 09/2023, doanh nghiệp chính thức đổi tên là Công ty CP Nhân lực Kim Minh, hoạt động ổn định đến ngày nay với trụ sở tại số 14, đường An Dương Vương, phường Thống Nhất, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình.
Doanh nghiệp đăng ký 13 ngành nghề kinh doanh, trong đó, kinh doanh chính là may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú). Chi tiết hơn là sản xuất, gia công hàng may mặc.
Bên cạnh đó, có cung ứng và quản lý nguồn lao động, cụ thể giới thiệu việc làm trong nước; cung ứng và quản lý nguồn lao động trong nước và đi làm việc ở nước ngoài, xuất khẩu lao động. Website doanh nghiệp tại địa chỉ http://kimminhhr.vn/.
Công ty đã được cấp giấy giấy phép số 35, ngày 08/06/2023, điều chỉnh thông tin lần 01 ngày 18/10/2023 về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tổng số lao động của Nhân lực Kim Minh theo đăng ký là 7 người, tại lần thay đổi thông tin về doanh nghiệp gần nhất ngày 21/09/2023.
Vốn điều lệ Công ty là 6 tỷ đồng lúc thành lập, trong đó, ông Nguyễn Ngọc Quân góp nhiều nhất 5 tỷ đồng, còn lại bà Nguyễn Thị Ngọc Kim (người đại diện pháp luật, Giám đốc Nhân lực Kim Minh) góp 500 triệu đồng và bà Vũ Thị Thanh Minh góp 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Quân còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu 3-2 Hòa Bình, trụ sở trùng với Nhân lực Kim Minh. Doanh nghiệp này cũng có ngành nghề kinh doanh là cung ứng và quản lý nguồn lao động.
Thông tin doanh nghiệp trên website chính thức. Ảnh chụp màn hình. |
Ngày 04/07/2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Công ty CP Nhân lực Kim Minh. Theo đó, có những quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa được Công ty thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ gồm: Công ty đóng không đúng thời hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hàng tháng theo quy định (các kỳ đóng chậm như kỳ tháng 5,6,7,8/2023). Chưa lập sổ theo dõi phát chứng chỉ/giấy chứng nhận hoàn thành khóa giáo dục định hướng có chữ ký của người lao động. Tại kết luận thanh tra cho hay, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành Quyết định số 70/QĐ-XPVPHC ngày 28/06/2024 xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền phạt là 12.500.000 đồng (đóng không đúng thời hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định). |
Theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.
Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này và đáp ứng các điều kiện của từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể theo quy định của Chính phủ trong suốt quá trình hoạt động.
Điều số 10 nêu rõ điều kiện cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.
- Đã ký quỹ theo quy định.
- Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
- Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung quy định.
- Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Có trang thông tin điện tử.
Xem thêm: Người lao động cần làm gì để tránh mắc “bẫy” khi làm thủ tục xuất khẩu lao động