Sức hấp dẫn đi xuất khẩu lao động
Không thể phủ nhận, sức hấp dẫn lớn nhất của việc đi làm việc ở nước ngoài chính là thu nhập. So với mặt bằng chung trong nước, mức lương tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), hay châu Âu thường cao hơn đáng kể. Đây là yếu tố then chốt giúp người lao động tích lũy vốn, cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình, xây nhà, nuôi con ăn học.
Những năm tháng làm việc tại môi trường công nghiệp phát triển cũng là cơ hội vàng để người lao động nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế. Người lao động được tiếp cận với công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất hiện đại, từ đó nâng cao kỹ năng nghề nghiệp một cách bài bản.
Quan trọng không kém là việc rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc sống và làm việc trong môi trường đa văn hóa giúp người lao động cải thiện trình độ ngoại ngữ, mở rộng hiểu biết và trở nên tự tin hơn.
![]() |
Người lao động đi làm việc ngoài nước có thu nhập tốt, nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế để xây dựng tương lai. Ảnh minh họa: COLAB. |
Thực tế cho thấy, nhiều người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng trở về đã trở thành những tấm gương sáng. Họ không chỉ mang về nguồn vốn quý báu mà còn mang về kiến thức, kỹ năng và một tư duy làm việc mới. Người lao động có thể tự khởi nghiệp, trở thành công nhân kỹ thuật cao, quản lý sản xuất giỏi, hoặc thậm chí là những "hạt nhân" lan tỏa kinh nghiệm, kỹ năng cho cộng đồng.
Tuy nhiên, bức tranh lao động ngoài nước không chỉ có màu hồng. Một trong những vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động và sự lành mạnh của thị trường chính là hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân môi giới không có chức năng phái cử lao động.
Tại Tọa đàm "Nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" được tổ chức cách đây không lâu, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chỉ rõ thực trạng này.
Cụ thể, hiện có khoảng 450 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, sắp tới có thể lên 500 vì thị trường đang rộng mở. Tuy nhiên, nhức nhối nhất hiện nay là nhiều doanh nghiệp không có giấy phép, không có chức năng phái cử lao động nhưng vẫn quảng cáo tuyển dụng, nhận hồ sơ, thậm chí nhận tiền của người lao động rồi không thực hiện hợp đồng mà chuyển cho các đơn vị có chức năng khác. Việc này làm cho thị trường nhiễu loạn, ảnh hưởng an ninh trật tự và làm tăng mức chi phí cho người lao động khi có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc.
Tình trạng này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cần rà soát, thanh kiểm tra và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm. Người lao động cũng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ nên đăng ký đi làm việc qua các doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép, có uy tín trên thị trường.
Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc nước ngoài
Để hành trình làm việc ở nước ngoài thực sự hiệu quả và bền vững, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Dolab), đã nhấn mạnh việc bản thân người lao động phải có chất lượng cao.
Vậy "chất lượng cao" ở đây bao gồm những gì? Trước hết, đó là trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề vững vàng. Dù làm việc trong lĩnh vực nào, tay nghề tốt luôn là lợi thế cạnh tranh, giúp người lao động hoàn thành công việc hiệu quả, nhận được sự tôn trọng và có cơ hội thu nhập tốt hơn. Thứ hai là trình độ ngoại ngữ - đây không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là chìa khóa để hòa nhập văn hóa, học hỏi kiến thức và bảo vệ quyền lợi bản thân.
Câu chuyện của chị Ngô Thị Út Luân, một người lao động từng làm việc tại Hàn Quốc, là minh chứng rõ nét cho tầm quan trọng của ngoại ngữ thực tế. Chị chia sẻ, dù đã học tiếng Hàn 3-6 tháng tại Việt Nam, đạt điểm thi cao, nhưng khi sang Hàn Quốc vẫn "gặp khó khăn trong giao tiếp với người bản địa" do chỉ học trên sách vở, thiếu thực hành. Từ trải nghiệm của mình, chị Luân đề xuất các đơn vị xuất khẩu lao động cần bổ sung các buổi thực hành giao tiếp với người bản địa trong quá trình đào tạo, giúp người lao động làm quen và tự tin hơn.
Bên cạnh kỹ năng cứng, ý thức kỷ luật, thái độ làm việc chuyên nghiệp, khả năng thích ứng với môi trường mới cũng là những hành trang không thể thiếu. Người lao động cần hiểu rõ mục tiêu của mình: đi làm việc không chỉ để kiếm tiền mà còn để học hỏi, tích lũy kỹ năng nghề cho tương lai.
Để người lao động yên tâm cống hiến và phát triển, vai trò của các doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài và sự quản lý của Nhà nước là vô cùng quan trọng.
Doanh nghiệp phái cử không chỉ làm nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo ban đầu mà còn phải khai thác thị trường tốt, đảm bảo các hợp đồng ký kết có lợi cho người lao động. Quan trọng hơn, họ phải có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong suốt quá trình làm việc ở nước ngoài và hỗ trợ họ khi gặp khó khăn. Chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp, cả trước và sau khi người lao động xuất cảnh, là thước đo uy tín và sự phát triển bền vững.
Về phía Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, cần đảm bảo một môi trường lành mạnh, minh bạch thông tin, hỗ trợ người lao động tiếp cận các kênh đi làm việc chính thống, an toàn. Các chương trình định hướng, cung cấp thông tin về văn hóa, pháp luật nước sở tại cũng cần được đẩy mạnh.
Theo số liệu của Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023, trong giai đoạn 2017-2023, di cư lao động tiếp tục là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam với gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tương đương với hơn 100.000 người được đưa đi hằng năm, tập trung nhiều nhất tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. |
Xem thêm: Kiểm tra doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động hay không?
![]() Ngày 24/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB) phát đi thông tin cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm ... |
![]() Công ty TNHH Một thành viên Hợp tác quốc tế Xây lắp 3, Công ty CP Tư vấn và Dịch vụ Tâm Nhật, Công ty ... |
![]() Trung tâm Lao động ngoài nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ, được Bộ giao thực hiện Chương trình ... |