Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) đã nêu những vấn đề còn vướng mắc và đề xuất một loạt giải pháp liên quan đến pháp lý, nguồn vốn tín dụng,... để cùng gỡ khó cho thị trường bất động sản.
Đối với rào cản pháp lý, ông Hiệp cho rằng, bất động sản liên quan và chịu tác động của nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS v.v…). Trong thời gian chờ đợi Quốc hội phê duyệt một loạt luật cuối năm 2023, các nhà đầu tư phân vân không biết nên tiến hay thoái. Trong khi đó, các cơ quan quản lý e ngại trách nhiệm không dám xử lý, giải quyết những vấn đề chưa thống nhất giữa các luật nên nhiều khi dự án bị ách tắc.
Chủ tịch GP.Invest đề xuất biên soạn một Nghị định sửa nhiều Nghị định để tạm thời giải quyết những vướng mắc xung đột để thị trường bất động sản sớm hồi phục.
Vừa qua, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những vấn đề này. Vị Chủ tịch doanh nghiệp này đề nghị Thủ tướng giao thẩm quyền cho Tổ công tác yêu cầu các địa phương phải tập hợp cập nhật báo cáo những dự án bị chậm nêu nguyên nhân cụ thể và đề xuất hướng giải quyết để Tổ công tác xử lý.
Người đứng đầu GP.Invest cũng đề nghị Thủ tướng giao thẩm quyền cho Tổ công tác yêu cầu các địa phương phải tập hợp cập nhật báo cáo những dự án bị chậm nêu nguyên nhân cụ thể và đề xuất hướng giải quyết để Tổ công tác xử lý (ví dụ về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, định giá đất …) để tránh việc “ngồi im” của cơ quan quản lý.
![]() |
Năm 2022, thị trường bất động sản dường như 'đứng hình'. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, Chủ tịch GP.Invest đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án xin vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%.
Đại diện GP.Invest nhấn mạnh, tín dụng vẫn là “nguồn sữa” chính cho các doanh nghiệp nên về chính sách tín dụng cần có “dự lệnh” trước khi ra “động lệnh” để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất, vì chỉ số CPI cũng như giá trị đồng Việt Nam so với ngoại tệ đều ổn định.