Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam:
Công ty Cao su Quảng Nam nợ đóng bảo hiểm xã hội hàng trăm lao động hơn 1,2 tỷ đồng
Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam (QRC) chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho 333 người lao động hơn 1,2 tỷ đồng, số liệu tính đến 31/3/2024. Ảnh: N.L. |
Cụ thể, theo công bố của BHXH tỉnh Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam (QRC) có tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho 333 người lao động hơn 1,2 tỷ đồng, số liệu tính đến 31/3/2024.
Tiền thân Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam là Lâm trường Hiệp Đức, Quảng Nam. Ngày 09/5/1998 đổi tên Lâm trường Hiệp Đức thành Công ty Cao su Quảng Nam theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam.
Ngày 17/10/1998 Công ty được chuyển thành thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Ngày 04/5/2010 Công ty Cao su Quảng Nam chuyển thành Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam theo quyết định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Các ngành, nghề kinh doanh của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam gồm: trồng cây cao su; khai thác, chế biến sản phẩm cao su; quản lý, thu mua, chế biến mủ cao su,...
Ông Thái Bảo Tri – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam tại một sự kiện. Ảnh: QRC. |
Người đại diện pháp luật Cao su Quảng Nam là ông Thái Bảo Tri (Tổng Giám đốc, sinh năm 1985) và ông Nguyễn Văn Thái (Chủ tịch Hội đồng thành viên, sinh năm 1964).
Trụ sở Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam tại Quốc lộ 1A, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Dữ liệu Nhịp sống Doanh nghiệp cập nhật, tại lần đăng ký thay đổi thông tin về doanh nghiệp gần nhất ngày 14/08/2023, ông Thái Bảo Tri được ủy quyền đại diện phần vốn tại QRC là hơn 160,770 tỷ đồng (từ 1/7/2023); ông Nguyễn Văn Thái cũng đại diện phần vốn tại QRC là hơn 160,770 tỷ đồng (từ 1/7/2023).
Bên cạnh đó, còn có hai cá nhân khác là Trương Thu và Trương Văn Thành đại diện phần vốn tại QRC lần lượt cùng số tiền như trên.
Việc chậm đóng BHXH, BHTN thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 17 Luật BHXH 2014.
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014, người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH thì người lao động sẽ bị thiệt hại về quyền lợi. Cụ thể, BHYT của người lao động sẽ bị cắt nếu doanh nghiệp nợ tiền BHXH quá 30 ngày. Người lao động khi đi khám chữa bệnh trong thời gian này sẽ không được chi trả các quyền lợi của BHXH; người lao động sẽ không được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản.
Bên cạnh đó, khi nghỉ việc thì người lao động cũng không chốt được quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của mình.
Xem thêm: Người lao động cần làm gì khi đã nghỉ việc nhưng công ty còn nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội?
Vụ Quảng An 1 nợ đóng bảo hiểm cho người lao động: Đã chuyển hồ sơ sang tòa án Vụ việc Chi nhánh 2 - Công ty CP công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng nợ đóng bảo hiểm cho người lao động ... |
DANATEX từ ăn nên làm ra, nhận nhiều giải thưởng đến việc nợ lương, bảo hiểm lao động Công ty CP Dệt Hòa Khánh - Đà Nẵng (DANATEX) có trụ sở tại Lô B, đường số 9, Khu công nghiệp Hoà Khánh, TP. ... |