Doanh nghiệp đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng dịp cuối năm, hỗ trợ lao động có việc làm
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Doanh nghiệp đang cố gắng hỗ trợ người lao động có việc làm, thu nhập
Tại Tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đã có câu hỏi đến Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương rằng, tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng và Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6% cho năm 2023. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cung cấp thêm những luận cứ làm cơ sở để Bộ đưa ra kịch bản tăng trưởng này?
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trước câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, báo cáo về các kịch bản GDP với Chính phủ là một trong những nhiệm vụ Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao từ đầu năm. Sau mỗi quý, Bộ KH&ĐT phải cập nhật lại kịch bản tăng trưởng gắn với kịch bản đã đề ra tại Nghị quyết 01 để phục vụ mục tiêu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, kịch bản đó không phải kịch bản dự báo, mà là kịch bản để điều hành.
Bộ KH&ĐT đã tham mưu, báo cáo Chính phủ 03 kịch bản tăng trưởng, trong đó kịch bản thấp là 5%, kịch bản giữa là 5,5%, kịch bản cao là 6%. Bất kỳ kịch bản nào đều cần sự nỗ lực, cố gắng lớn.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng, chúng ta phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể trong năm 2023. So với bình diện chung của khu vực và thế giới, kết quả của chúng ta khá tích cực nhưng không phải vì thế mà hài lòng và ngừng phấn đấu. Phải nỗ lực phấn đấu và nỗ lực hơn nữa trong 3 tháng cuối năm để đạt kết quả mong đợi. Trên tinh thần ấy, Thủ tướng giao nhiệm vụ phải đạt mục tiêu cao nhất (6%).
Tất cả các giải pháp chúng ta đã đề ra từ đầu năm đến nay cũng như giải pháp tức thì trong 3 tháng cuối năm đều để cố gắng đạt các chỉ tiêu tốt nhất. Lạc quan một chút, nếu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%. Chúng ta đã chứng kiến con số 10% trong quý III của năm trước so với nền âm của năm 2021. Tuy nhiên, chúng ta có thách thức là nền tăng trưởng quý IV của năm 2022 khá cao, do vậy kết quả 10,6% trong quý IV năm nay là thách thức rất lớn, đòi hỏi có sự đột phá trong các động lực chính của tăng trưởng, đặc biệt là từ phía cung.
Trong đó, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành xuất khẩu lớn của chúng ta là sản phẩm điện tử. Nếu có sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực thì chúng ta có thêm động lực quan trọng.
Về cầu, đầu tư tiếp tục tăng trưởng dương nhưng tăng trưởng tiêu dùng hiện vẫn yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ mới đạt 9%. Đối với các thời kỳ nước ta có mức độ tăng trưởng cao thì lĩnh vực này phải lên tới 12-13%. Như vậy, phải có giải pháp để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024 là cơ sở để kỳ vọng thị trường trong nước cũng sẽ là trụ đỡ cho tăng trưởng.
Liên quan đến xuất khẩu, chúng ta phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực, cố gắng để tìm kiếm đơn hàng dịp cuối năm, gia tăng sản lượng, hỗ trợ người lao động có việc làm, thu nhập.
Tình hình lao động có việc làm tiếp tục xu hướng tăng
Liên quan đến vấn đề lao động việc làm, thông cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, so với quý trước, tình hình lao động có việc làm tiếp tục xu hướng tăng, khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi nhẹ.
Cụ thể, lao động có việc làm quý III năm 2023 đạt 51,3 triệu người, tăng 87,4 nghìn người, tương ứng tăng 0,17% so với quý trước và tăng 523,6 nghìn người, tương ứng tăng 1,03% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2023, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người so với 9 tháng năm 2022. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới.
Số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 19 triệu người, tăng 321,6 nghìn người, lao động ở khu vực nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 454,3 nghìn người và ở nam giới là 27,2 triệu người, tăng 407,3 nghìn người, lao động nữ đạt 24 triệu người, tăng 368,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo thông cáo, quý III năm 2023, ghi nhận sự phục hồi nhẹ về lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng sau khi bị sụt giảm trong quý II năm 2023 do ảnh hưởng sụt giảm đơn hàng trong các ngành công nghiệp dệt, may, gia dày; chế biến gỗ và điện tử. Số lao động trong khu vực này đạt 17,1 triệu người, tăng 10 nghìn người so với quý trước; lao động trong khu vực dịch vụ đạt 20,4 triệu người và có xu hướng tăng mạnh nhất trong 3 khu vực (tăng 95,8 nghìn người); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với số lao động là 13,8 triệu người, giảm 18,4 nghìn người.
Theo Tổng cục Thống kê, tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã giảm nhiệt trong quý IIII này. |
Các doanh nghiệp Hà Nội cần 80.000 lao động từ nay tới cuối năm Những tháng đầu năm 2023, hơn 15.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cùng với hơn 5.700 doanh nghiệp trở lại hoạt động khiến ... |
Nhiều người lao động khó tìm việc mới sau nghỉ việc Trong bối cảnh thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, tình trạng người lao động mất việc làm ngày càng gia tăng, công cuộc ... |
Cần có giải pháp bền vững hỗ trợ lao động bị mất, giảm việc làm Tình trạng người lao động bị mất, giảm việc làm ngày càng tăng, dẫn đến nhiều hệ lụy. Do đó, cần có những biện pháp ... |