Doanh nghiệp ngại vay gói ưu đãi lãi suất vì sợ thanh tra, kiểm tra
Khẩn trương trình ban hành nghị định “gỡ rối” gói hỗ trợ lãi suất 2% |
Hiện nay, có nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhưng thủ tục còn nhiều rườm rà. Cùng đó, doanh nghiệp còn ngần ngại về việc thanh tra, kiểm tra sau khi nhận hỗ trợ lãi suất.
Bằng chứng là gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng ban hành năm 2022 (theo Nghị quyết số 43/2022/QH15), đến nay mới chỉ giải ngân được 134 tỷ đồng (0,3% nguồn lực), còn "ế" khoảng 37.520 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 31 để tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn. Nhưng ngay cả trường hợp sửa đổi Nghị định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng dự kiến chỉ có thể giải ngân được 2.345 tỷ đồng trong năm 2023.
Chia sẻ về câu chuyện này với Nhịp sống Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, thực tế việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% rất khó khăn, bởi bản thân tổ chức tín dụng triển khai gói tiếp cận được đến doanh nghiệp nhưng họ không mặn mà.
Để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, doanh nghiệp phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, tiêu chí xác định “khả năng phục hồi” lại chưa được quy định, nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều lúng túng khi triển khai. Đặc biệt, doanh nghiệp còn có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất nên không mấy hào hứng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
"Điều kiện nguyên tắc thủ tục xác định kiểm tra đảm bảo làm sao sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích thì bản thân doanh nghiệp không khẳng định được. Có doanh nghiệp vay rồi, sau đó trả lại để vay thương mại vì vay gói hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ. Sau này, bản thân doanh nghiệp và người hỗ trợ khi gặp vấn đề thanh tra kiểm tra rất sợ không biết có đúng hay không. Doanh nghiệp phải xác định sử dụng vốn này đúng. Vay thì phải trả, được hỗ trợ 2% nhưng không biết đúng hay sai. Mặc dù quy định như vậy rồi nhưng doanh nghiệp vẫn lo ngại không biết có đảm bảo được không nên không sử dụng đến nguồn vốn này", ông Hùng nói.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, về phía ngân hàng đã có thông tư, hướng dẫn, quy trình... các ngân hàng hết sức cố gắng mở rộng, vận động để doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ vay vốn nhưng không mở rộng vay được. Khó khăn của ngân hàng là muốn triển khai gói hỗ trợ nhưng không có khách hàng vay.
Trong khi đó, cho vay phải đảm bảo thu hồi được nợ, đảm bảo nguyên tắc đầy đủ thực hiện theo đúng quy định. Đáp ứng đủ thì được vay. Nhưng khi đáp ứng đủ thì doanh nghiệp chọn vay thương mại để không bị thanh tra, kiểm tra.
Ông Hùng chia sẻ thêm: "Ngoài ra, Covid-19 đã trôi qua 2 năm, các đơn vị chịu ảnh hưởng từ thời điểm đó đến bây giờ cũng khó khăn trả khoản nợ cũ. Cho vay mới để trả nợ cũ thì không được, cho vay mới thì liệu có khả năng đảm bảo trả nợ được không? Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới đang có sự biến động phức tạp. Đáng chú ý, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất".
Doanh nghiệp còn ngần ngại về việc thanh tra, kiểm tra sau khi nhận hỗ trợ lãi suất. |
Đánh giá cụ thể hơn về chương trình gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Hùng nhận định nếu tất cả quy định như hiện tại, khó thực hiện được kế hoạch chương trình đã đặt ra. Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đặt vấn đề, chính các doanh nghiệp phải có giải pháp để thực hiện được những quy định yêu cầu vay gói ưu đãi lãi suất.
Cùng quan điểm, bà Trần Hồng Minh - Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ tại Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức gần đây rằng, việc triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn khá chậm so với nhu cầu.
Nguyên nhân bà Minh đưa ra, doanh nghiệp còn ngần ngại về việc thanh tra, kiểm tra sau khi nhận hỗ trợ lãi suất và quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi” chưa rõ ràng. Đồng thời, khó khăn của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu cũng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Trong khi đó, tiếp cận tín dụng của ngân hàng dù đã có nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
4 "ông lớn" ngân hàng triển khai gói tín dụng 370.000 tỷ đồng cho vay vốn ưu đãi |