Đồng bộ các giải pháp liên ngành nhằm tăng hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Loạt chiêu trò lừa đảo thương mại điện tử tinh vi những người thường xuyên mua sắm online cần biết |
Tham gia tọa đàm có: Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; TS. Trần Mạnh Nam - Giám đốc Khối Doanh nghiệp của VNPAY; PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính.
Tọa đàm “Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử”. Ảnh: VGP |
Thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh, duy trì tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, TMĐT Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25%/ năm. Đến năm 2023, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương thì quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.
TMĐT phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua. Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
“Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh như thế, đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, trong đó có chủ đề chúng ta bàn hôm nay - việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế” - bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, một trong những mấu chốt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý một cách toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông để ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế.
Từ đó xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT trên Cổng Thông tin quản lý về TMĐT (online.gov.vn), tại đó có dữ liệu khá đầy đủ về những doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT bán hàng và các sàn giao dịch TMĐT đã thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký với Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương cũng ứng dụng những công nghệ mới phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để giúp sàng lọc thông tin, giám sát hoạt động TMĐT trên môi trường trường trực tuyến và phát hiện hành vi sai phạm.
Hệ thống dữ liệu đồng bộ, toàn diện và đầy đủ là 1 trong những yếu tố quyết định để phát triển thương mại điện tử
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước đối với các sàn thương mại điện tử, theo bà Lại Việt Anh, thời gian tới cần sự phối hợp tích cực giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (mà cụ thể là Tổng cục Thuế) trong việc đồng bộ hóa các tiêu chí quản lý dữ liệu từ 2 hệ thống sao cho đảm bảo đồng bộ ngay từ đầu.
Việc đồng bộ này cần phải thực hiện ngay từ khâu đầu tiên, đó là khởi tạo tài khoản của doanh nghiệp trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử. Hiện nay, Bộ Công Thương chủ trương lấy mã số thuế của doanh nghiệp, của các hộ kinh doanh là trường dữ liệu chính. Khi doanh nghiệp khởi tạo một tài khoản trên hệ thống của Bộ Công Thương thì ngay lập tức mã số thuế của doanh nghiệp sẽ được khớp nối, đối chiếu theo thời gian thực với dữ liệu của Tổng cục Thuế. Việc đồng bộ hóa các tiêu chí dữ liệu cơ bản giữa 2 hệ thống của hai đơn vị, cũng như sự cập nhật thường xuyên dữ liệu sẽ giúp cho hiệu quả quản lý của hai cơ quan được tốt hơn.
Việc xây dựng một hệ thống dữ liệu đồng bộ, toàn diện và đầy đủ là một trong những yếu tố quyết định thành công trong việc phát triển thương mại điện tử.
Bên cạnh đó việc xây dựng một khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho vấn đề này là rất cần thiết. Vì thế cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đầy đủ, cụ thể, áp dụng đối với từng chủ thể, nhằm đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế, phù hợp với các các đặc thù của Việt Nam.
Ngoài ra, cần có các quy định nhằm bảo đảm sự bình đẳng đối với các nền tảng số đang cung cấp các dịch vụ cho thị trường xuyên biên giới mà không hiện diện ở Việt Nam. Việc này sẽ khuyến khích sự phát triển cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế trong hoạt động thương mại điện tử cũng là nhiệm vụ quan trọng, để người nộp thuế thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia các giao dịch này. Chừng nào các chủ thể kinh doanh không nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trước pháp luật thì vẫn còn những khoảng trống thất thoát thuế.
Sự phối hợp đồng bộ sẽ tạo thành bức tranh tổng thể về quản lý TMĐT đúng và đủ
Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông: “Sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an sẽ tạo thành bức tranh tổng thể để chúng ta có thể quản lý đúng và đủ”.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử, trong đó quy định rõ toàn bộ hệ thống giao dịch điện tử nói chung và TMĐT nói riêng có số lượng người sử dụng trên 3 triệu thì được coi là hệ thống giao dịch điện tử, TMĐT lớn và trên 10 triệu người sử dụng được coi là rất lớn, có trách nhiệm định kỳ hằng năm báo cáo các cơ quan nhà nước, đặc biệt, phải chia sẻ dữ liệu để phục vụ sự quản lý nhà nước cho giao dịch điện tử cũng như bảo đảm quyền lợi khách hàng.
Bộ cũng đang xây dựng một thông tư về hệ thống tiếp nhận tổng hợp phục vụ quản lý nhà nước về TMĐT và giao dịch điện tử để hỗ trợ cho các bộ, ngành liên quan trong kết nối, chia sẻ dữ liệu và đặc biệt các dịch vụ TMĐT hay các mô hình kinh doanh có thay đổi thì phải sử dụng công cụ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain để cập nhật, trên cơ sở đó xây dựng các tiêu chí về dữ liệu, trao đổi dữ liệu để phục vụ việc bám sát với những thay đổi rất nhanh về mô hình TMĐT.
Cần sớm hoàn thiện chính sách thuế
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách liên quan đến quản lý thuế là việc cần làm ngay. Cơ chế chính sách phải phù hợp với từng điều kiện và theo đúng thông lệ. Năm 2010, bằng Quyết định 78, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng đến bây giờ, thời đại khác rồi, kinh tế số chỉ cần 1 giây là đã có đầy đủ, chúng ta không phải miễn cái đó.
Thứ hai, phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, kho dữ liệu. Vì kho này không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội. Cho nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu về thương mại điện tử là việc làm cần thiết và cấp bách.
“Việc kết hợp giữa các bộ, ban, ngành, kết hợp giữa tuyên truyền, quảng cáo và ý thức của người dân đối với hoạt động quản lý và thu thuế từ thương mại điện tử sẽ là cơ sở chúng ta có thể quản lý thương mại điện tử một cách phù hợp và sâu sát hơn” - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Triển khai hoá đơn điện tử góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT
Về việc triển khai hóa đơn điện tử nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, Bộ Tài chính đang đề xuất với Chính phủ để các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn. Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch TMĐT dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ.
Xuất hóa đơn đầy đủ sẽ hỗ trợ quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không, giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, lúc đó hàng hóa trong thị trường Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh, chống hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trên thị trường, đặc biệt là sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Ngoài quy định về hóa đơn, Bộ Tài Chính cũng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong đó đề xuất bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng hóa nhỏ lẻ để hoàn thiện chính sách với hoạt động TMĐT.
Đại diện phía doanh nghiệp, TS. Trần Mạnh Nam - Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY cho rằng, việc khuyến khích xuất hoá đơn điện tử tại đúng thời điểm bán hàng hoặc xuất hoá đơn trong ngày cần phải được khuyến khích vì sẽ giúp cho cơ quan thuế nắm được tình hình giao dịch của các doanh nghiệp bán hàng, từ đó đưa ra các phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như có phương án quản lý thuế phù hợp, như các đại biểu đã nêu là đúng và đủ.
Ngoài ra, TS. Trần Mạnh Nam cũng nhấn mạnh sự chia sẻ liên ngành. Từ đó, đứng trên vai trò quản lý, Chính phủ cũng sẽ nhìn nhận được những xu hướng của thị trường, sẽ thấy rằng nền kinh tế đang dịch chuyển từ những sản phẩm giá trị lớn sang những sản phẩm giá trị nhỏ, hoặc từ ngành hàng FMCG (ngành cung cấp toàn bộ các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày) sang một ngành hàng khác. Từ đó có những thông tin, những chia sẻ, những định hướng ngược lại cho doanh nghiệp.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Quản lý thương mại điện tử là quản lý số, chúng ta phải số hoá ở mức hiện đại nhất để quản lý hoạt động thương mại điện tử, lúc đó mới đem lại hiệu quả.
Với quyết tâm và sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành có liên quan, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương thì hoạt động thương mại điện tử sẽ dần đi vào nền nếp, việc thu thuế cũng như tính toán doanh thu và các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử sẽ ngày một hoàn thiện tốt hơn”.
Shopee ngày càng vượt mặt Lazada về độ nhận diện trên trên nền tảng số Dù tiếp tục so kè kịch liệt, tuy nhiên, Shopee đang bỏ xa vị trí thứ 2 của Lazada với Total Score hiện gấp 4,4 ... |
Đề nghị kiểm tra thuế 6 cơ sở kinh doanh online có giao dịch hơn 223 tỷ đồng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng An ninh mạng) Công an TP Đà Nẵng đã chuyển ... |
Nới thời gian “Chợ Tết Công đoàn” qua sàn thương mại điện tử Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” qua sàn giao dịch thương mại điện tử tiếp tục kéo dài đến ngày 29/2/2024. |