Đề nghị kiểm tra thuế 6 cơ sở kinh doanh online có giao dịch hơn 223 tỷ đồng |
Người dân cần nâng cao cảnh giác khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, tránh tâm lý ưu tiên, ham hàng giá rẻ để tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo. Ảnh minh họa |
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, từ sau đại dịch COVID-19, thương mại điện tử đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Theo Báo cáo “Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến nửa đầu năm 2024” do Metric thực hiện, thương mại điện tử Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng trên 54% cả về doanh số và sản lượng. Trong 6 tháng đầu năm, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu (gồm: Shopee, Tiktok Shop, Lazada, Tiki và Sendo) ghi nhận doanh số 143.900 tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công tới tay khách hàng, tăng lần lượt 54,91% và 65,55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn đáng kể so với tăng trưởng 7,4% của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.
Tuy nhiên, sự phát triển này cũng là kẽ hở khiến cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường ngày càng trở nên tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Vi phạm trên môi trường mạng xã hội dễ thực hiện và khó phát hiện xử lý hơn (đối tượng không có kho hàng/cửa hàng, hàng hóa phân tán nhiều nơi, chỉ tiếp nhận đặt hàng online).
Vấn đề này đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Bộ Công Thương cho biết, năm 2023 đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng liên quan tới những vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Các gian hàng, các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo lập và đóng lại trong thời gian ngắn. Thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng là hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được sản phẩm có thể là hàng giả. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử ngày càng khó khăn do thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, có một số thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua các sàn thương mại điện tử như sau:
Thứ nhất, đối tượng lập tài khoản “Người bán” với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Sau đó các đối tượng đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn niêm yết từ 3-4 lần, cùng với đó những dòng mô tả như “giảm giá sốc”, “thanh lý xả kho” và những mặt hàng này đều có giá trị cao nhỏ gọn và dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử, điện thoại,…
Khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua và sử dụng các phương thức liên lạc như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc dụ dỗ mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến không thông qua sàn thương mại điện tử mới mức giá thấp hơn mức giá đang niêm yết.
Sau khi người bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện trong đó có các vật phẩm không giá trị.
Thứ hai, các đối tượng cài đặt đơn hàng ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng nhưng vẫn tạo đơn vận chuyển của các công ty giao hàng đến địa chỉ người mua. Khi đó đối tượng tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các mặt hàng giả, hàng nhái hoặc vật phẩm không có giá trị. Người bị hại sử dụng phương thức thanh toán trả trước và không kiểm tra sản phẩm khi nhận hàng hoặc lầm tưởng đây là sản phẩm mình đặt mua trên sàn thương mại điện tử vẫn tiến hành thanh toán tiền bình thường khi nhận hàng.
Do việc giao dịch của người bị hại ngoài phạm vi của các sàn thương mại điện tử nên người dùng không được đảm bảo quyền lợi đổi trả, hoàn tiền sản phẩm vì hệ thống các sàn thương mại điện tử không ghi nhận bất kỳ giao dịch mua hàng hay xác định người dùng bị thiệt hại.
Thứ ba, các đối tượng tự nhận là nhân viên của các sàn thương mại điện tử hỗ trợ về việc đổi trả về đơn hàng mà người mua đã đặt trên các sàn thương mại điện tử trước đó. Lợi dụng nhu cầu phát sinh đổi trả từ người mua, các đối tượng sẽ hứa thu hồi và hoàn tiền/đền tiền gấp 3 lần, sau đó lừa nạn nhân bấm vào link lừa đảo và yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, thông tin thẻ tín dụng/tài khoản ngân hàng (bao gồm cả mật khẩu và/hoặc OTP) để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người bị hại.
Các đối tượng gửi tin nhắn/cuộc gọi với nội dung “Bạn được nhận một phần quà vì bạn là khách hàng may mắn trúng thưởng của chương trình nào đó” hoặc “Bạn là khách hàng thân thiết”… Các đối tượng này sẽ yêu cầu người bị hại phải trả thêm phí vận chuyển hoặc phí hỗ trợ.
Các đối tượng sẽ gửi tin nhắn đến người bị hại hoặc đăng tin tuyển dụng trên các trang thông tin trôi nổi bằng các giả mạo là nhân viên/nhân sự cấp của các sàn và tuyển dụng cộng tác viên không chính thống, với các nội dung như tuyển số lượng nhân viên chuyên đặt hàng hoặc mỗi ngày bạn có thể dễ dàng kiếm tiền bằng điện thoại di động. Nội dung tin nhắn yêu cầu người bị hại kết bạn trên ứng dụng thông tin khác nhằm trục lợi thông tin các nhân cũng như với những mục đích không tốt khác.
Theo Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông), dấu hiệu nhận biết các hoạt động rao bán hàng giả và hàng nhái trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử bao gồm:
Giá quá rẻ: sản phẩm được rao bán với giá cực kỳ hấp dẫn, thường rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đây có thể là dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái hoặc gian lận.
Thiếu thông tin sản phẩm:người bán không cung cấp đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, như thông số kỹ thuật, nguồn gốc, chất lượng, thông tin về nhà cung cấp và bảo hành.
Số lượng giới hạn và áp lực mua hàng: người bán áp đặt áp lực mua hàng nhanh chóng bằng cách khuyến khích mua hàng ngay lập tức với lý do rằng hàng chỉ có số lượng giới hạn hoặc đang có nguy cơ hết hàng.
Đánh giá và nhận xét không tự nhiên:sản phẩm nhận được đánh giá và nhận xét tích cực một cách quá mức, không tự nhiên hoặc không đáng tin cậy. Đây có thể là một chiêu trò để tạo lòng tin và thuyết phục người mua.
Phương thức thanh toán không an toàn: người bán yêu cầu thanh toán bằng các phương thức không an toàn, chẳng hạn như chuyển khoản trực tiếp qua ngân hàng, thanh toán bằng ví điện tử không rõ nguồn gốc, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng một cách đáng ngờ.
Tài khoản người bán không đáng tin: kiểm tra tài khoản của người bán trên mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử. Nếu tài khoản không đáng tin, với ít hoặc không có thông tin cá nhân, hoạt động mới hoặc không có đánh giá, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy người bán không đáng tin cậy.
Thiếu thông tin liên hệ và địa chỉ:người bán không cung cấp thông tin liên hệ rõ ràng, như địa chỉ, số điện thoại hoặc email. Điều này khiến việc theo dõi và giải quyết các vấn đề liên quan trở nên khó khăn.
Thiếu uy tín và phản hồi tiêu cực:người bán có lịch sử phản hồi tiêu cực, có nhiều khiếu nại từ người mua trước đó hoặc không có đủ đánh giá và phản hồi từ khách hàng.
Theo Cục An toàn thông tin, để tránh bị lừa đảo, người dân phải luôn cảnh giác và suy nghĩ kỹ trước khi thao tác mua hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử và có thể áp dụng các biện pháp sau:
Nghiên cứu và đánh giá nguồn gốc người bán: kiểm tra thông tin về người bán, bao gồm địa chỉ, số điện thoại và nhận xét từ người mua khác trên các trang web đáng tin cậy.
Tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền: tìm hiểu kỹ chính sách bảo hành, đổi trả và hoàn tiền của người bán để bảo đảm quyền lợi của mình.
Tìm hiểu ý kiến và đánh giá từ người mua khác về người bán và sản phẩm để có cái nhìn tổng quan và chính xác hơn.
Kiểm tra và đối chiếu thông tin sản phẩm: người mua cần đảm bảo có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Đảm bảo Mã đơn hàng, Mã vận đơn được hiển thị trên ứng dụng thương mại điện tử với thông tin mã in trên gói hàng giống nhau. Kiểm tra trạng thái đơn hàng phải là “Đang giao” mới tiến hành nhận đơn hàn từ bưu tá, đặc biệt người dân không nhận bất kỳ đơn hàng lạ nào nếu chưa rõ thông tin, nguồn gốc. Khi nhận hàng nên yêu cầu cho xem hàng rồi mới thanh toán để an toàn hơn khi mua sắm.
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, người dân cần tránh tâm lý ưu tiên, ham mua hàng giá rẻ để tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo. Không truy cập vào các đường link lạ, kém bảo mật; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng... Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất về các biện pháp bảo vệ thông tin và quyền lợi cá nhân trên báo chí và các website chính thống.
Tham khảo thêm:
Lazada lần đầu công bố báo cáo ESG, tạo ra hơn 1,1 triệu cơ hội việc làm trong khu vực Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, Lazada lần đầu tiên công bố báo cáo ESG với thông tin đáng chú ý là nền tảng ... |
Lazada ra mắt giải pháp giao hàng đa kênh, nhắm tới “miếng bánh” thị trường giao nhận Theo Lazada, với dịch vụ mới này, các đơn vận sẽ được giao tới tận tay khách hàng trong thời gian tối ưu kèm chi ... |
Shopee ngày càng vượt mặt Lazada về độ nhận diện trên trên nền tảng số Dù tiếp tục so kè kịch liệt, tuy nhiên, Shopee đang bỏ xa vị trí thứ 2 của Lazada với Total Score hiện gấp 4,4 ... |