Economist phân tích về những yếu tố có thể đẩy cao lạm phát toàn cầu năm 2023
Và cho đến hiện tại, vấn đề xảy ra hoàn toàn trái ngược. Gần như tất cả các nước trên thế giới này đều đang chật vật với tình trạng giá cả leo thang trong năm 2022. Tình hình này dường như chắc chắn sẽ cải thiện trong năm tới, thế nhưng nó cũng gây ra cú sốc cực kỳ lớn với tăng trưởng kinh tế.
Năm 2022 đã trở nên khác biệt với nhiều năm trở lại đây bởi áp lực giá cả lên quá cao. Tỷ lệ lạm phát toàn cầu kết thúc năm nay ở mức khoảng 9%. Đối với nhiều nước đang phát triển, lạm phát cao đang trở thành một thách thức. Lần gần nhất mà lạm phát lên cao như vậy tại các nước giàu chính là đầu thập niên 1980. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng được ước tính đã tăng khoảng 7% trong năm 2022, ngưỡng cao nhất trong 4 thập kỷ. Tại Đức, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng ghi nhận gần 10%, đây cũng là lần đầu tiên từ năm 1951, chỉ số giá tiêu dùng tăng đến 2 con số như thế này.
Những yếu tố đẩy cao lạm phát ở khắp nơi chính là giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Ngay từ đầu năm 2022, giá nhiều loại mặt hàng tiêu dùng vốn đã tăng bởi tác động dai dẳng từ tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Căng thẳng Nga – Ukraine leo thang đã đẩy cao giá dầu và khiến cho phương Tây áp lệnh trừng phạt với Nga trong khi Nga là nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Giá thực phẩm đồng thời tăng vọt, nguyên nhân chính do giá thuốc sâu và chi phí vận tải tăng lên, ngoài ra là việc Nga ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, một nước sản xuất bột mì hàng đầu thế giới.
Còn nếu nhìn từ thuật ngữ kinh tế, những gì đang diễn ra có liên quan trực tiếp đến cú sốc nguồn cung. Việc giá cả của nhiều loại hàng hóa chủ chốt nhanh chóng ảnh hưởng đến chi phí cuộc sống hàng ngày của các công dân thế giới. Tại châu Âu, việc phụ thuộc quá lâu và quá nhiều vào Nga để có khí đốt cũng khiến cho châu Âu gặp khó trong việc huy động đủ khí đốt cho mùa đông năm nay. Trên khắp các khu vực, giá thực phẩm và nhiên liệu tình trung bình đóng góp hơn nửa vào lạm phát năm 2022.
Nếu lạm phát có nguyên nhân từ hiện tượng cung cầu, chắc chắn nó gây ra đủ những tác động tiêu cực. Thế nhưng diễn biến mà nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang lo ngại chính là lạm phát ăn vào nhiều loại giá cả bền vững như hàng hóa dịch vụ chứ không chỉ đơn thuần là giá thực phẩm và năng lượng.
Giá cả tiêu dùng lõi tăng cao có thể coi như dấu hiệu cho thấy lạm phát đang tăng lên. Kết quả nó gây ra tác động nhiều hơn cả cú sốc giá dầu. Nhiều nước hiện vẫn đang trong tình trạng thiếu lao động do làn sóng nghỉ hưu sớm trong thời kỳ COVID-19. Kết quả, nhiều doanh nghiệp đang trả mức lương cao hơn để thu hút người lao động, áp lực lạm phát vì vậy gia tăng. Tại Mỹ nơi lạm phát lõi đặc biệt cao, một yếu tố quan trọng đẩy tăng lạm phát chính là các gói kích cầu quy mô lớn từ chính phủ và Fed ở thời điểm đại dịch COVID-19 vô cùng căng thẳng.
Trong phần lớn năm 2022, nhu cầu tăng lên quá nóng, chi tiêu thực của cá nhân cao hơn so với trước đại dịch COVID-19. Nền kinh tế với lạm phát thấp nhất chính là Trung Quốc, chiến lược không COVID-19 của Trung Quốc đã khiến cho tiêu dùng rơi xuống dưới ngưỡng trước đại dịch COVID-19.
Gần như ở bất kỳ nơi nào, hiện đang xuất hiện những tâm lý lo lắng rằng giá cả tăng cao sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát của người dân, chính vì vậy họ sẽ đòi hỏi phải được chi trả mức lương cao hơn. Vốn được biết đến với cái tên vòng xoáy lương-giá, yếu tố này sẽ khiến cho lạm phát khó được loại bỏ hơn nữa. Chỉ riêng mối đe dọa lạm phát đã đủ để khiến cho các ngân hàng trung ương phải hành động. Fed là ngân hàng trung ương hành động mạnh tay nhất, nâng lãi suất từ mức sàn 0% vào tháng 3/2022 lên ngưỡng hơn 4% hiện nay, đợt nâng lãi suất mạnh tay nhất trong 4 thập kỷ. Ngân hàng trung ương khắp các nước giàu, từ Stockholm cho đến Sydney cũng đều tiếp bước hành động theo Fed.
Một cách để nhận định về triển vọng lạm phát năm 2023 chính là nhìn vào mối tương quan giữa việc nguồn cung phục hồi và nhu cầu đi xuống. Nhìn chung, một số những yếu tố đẩy tăng lạm phát vào đầu năm 2022 giờ đã thay đổi. Giá cả hàng hóa tiêu dùng giảm khi mà chuỗi cung ứng trở lại hoạt động bình thường. Chi phí giá dầu đã trở lại ngưỡng của 1 năm trước, một phần nhờ vào sự phục hồi của sản xuất. Việc chính sách tiền tệ bị siết chặt không khỏi ảnh hưởng xấu đến nhu cầu và thực tế điều đó đang bắt đầu xảy ra.
Những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lãi suất đang khó khăn: các thị trường bất động sản trên toàn thế giới “ớn lạnh”, giao dịch suy giảm nghiêm trọng. Nếu nguồn cung lao động phục hồi đủ nhanh, ngân hàng trung ương có thể sẽ ngừng siết chặt trước khi gây ra một đợt suy thoái kinh tế sâu. Tuy nhiên ở giai đoạn này, dường như kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ phải chịu tác động tiêu cực. Năm 2023, nỗi sợ lạm phát có thể tạo ra nỗi lo về thất nghiệp.