Giá điện tăng 4,8%, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt phải trả thêm bao nhiêu tiền mỗi tháng?
Chính phủ yêu cầu chỉnh giá điện với mức độ và thời điểm phù hợp |
Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% từ ngày 11/10/2024
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1046/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 11/10/2024. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Điều chỉnh tăng giá điện, ảnh hưởng như thế nào tới người dân, doanh nghiệp?
Chiều 11/10, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện nhằm làm rõ các thông tin về mức điều chỉnh và tác động của việc tăng giá điện đến từng nhóm đối tượng khách hàng sử dụng điện.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho biết, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Mức tăng giá điện sinh hoạt từ ngày 11/10/2024. Ảnh: EVN |
Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Với khách hàng kinh doanh dịch vụ (có khoảng 547.000 khách hàng), mức tăng trung bình mỗi khách hàng trong là 247.000 đồng/tháng.
Còn với khách hàng sản xuất, sau điều chỉnh giá từ ngày 11/10/2024, mỗi khách hàng sẽ trả thêm trung bình là 499.000 đồng/tháng.
Với các khách hàng hành chính sự nghiệp (tổng số 691.000 khách hàng), sau khi đổi giá, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm 91.000 đồng/tháng.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cũng cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện 4,8% sẽ làm tăng CPI khoảng 0,04%.
Giá điện còn nhiều bất cập, đã đến lúc phải cải cách
Chiều 10/10, tại tọa đàm “Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp”, các nhà quản lý, đại biểu quốc hội, chuyên gia kinh tế, năng lượng đã phân tích về thực trạng giá thành, cơ cấu hình thành giá điện ở nước ta hiện nay.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình thế giới và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao. Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%. Những yếu tố này dẫn tới chi phí phát điện tăng cao.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong nỗ lực của nhà phân phối nhằm giảm giá mua điện thì lại ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện và về lâu dài, không thúc đẩy sản xuất điện, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định cung ứng điện. Thực tiễn thời gian qua, có thời điểm, không ổn định nguồn cung điện thì thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của một chuyên gia về giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, giá bán không bù đắp được chi phí gây ra nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện, cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế, cần phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết những bất cập này.
Về chủ trương điều hành, để giải quyết các bất cập, ông Thỏa Nhấn mạnh, phải bám vào các quy định của pháp luật hiện hành. “Nguyên tắc tối thượng của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ đã được tính đúng, tính đủ. Nếu chúng ta làm được điều này thì không có hệ quả lỗ của ngành điện, không có việc lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Thu hút đầu tư để phát triển nguồn lưới điện cũng thuận lợi hơn”.
Theo TS. Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, “chúng ta đang nhìn thấy lộ trình cải cách toàn bộ ngành điện lực với định hướng theo mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững của Việt Nam. Để làm được những việc này, đầu tiên là phải cải cách giá điện, trong trường hợp đó chúng ta mới có được những định chế, nền tảng cơ bản để chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng theo hướng đưa nhiều hơn nguồn điện “sạch, xanh” trong cơ cấu sản xuất điện”.
Biểu giá điện sinh hoạt rút còn 5 bậc, tiền điện sinh hoạt sẽ thay đổi thế nào? Theo Bộ Công Thương, với phương án biểu giá điện sinh hoạt còn 5 bậc, giá điện cho từng bậc cũng được thiết kế lại ... |
Thứ trưởng Bộ Công Thương lý giải tăng giá điện theo bậc thang Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, giá điện theo bậc thang vẫn phù hợp với Việt Nam và các nước khác ... |
Bộ Công thương tiếp tục đề nghị tăng giá điện Bộ Công Thương kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện năm 2024 để đảm bảo phản ánh biến động các thông số đầu vào ... |