VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2023 vào khoảng 252.000 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ, trong đó giai đoạn quý II - quý III/2023 khá thử thách với gần 160.000 tỷ trái phiếu đáo hạn.
Thống kê này đã loại trừ các DN phát hành đã mua lại TPDN trước thời gian đáo hạn kể từ 2021 cho đến nay (Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, HNX) |
Cụ thể, quý I/2023 sẽ có khoảng 31.000 tỷ đồng (giảm 41% so với cùng kỳ) TPDN đáo hạn, tuy nhiên áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III/2023 với giá trị lần lượt khoảng 76.500 tỷ đồng (tăng 120% so với cùng kỳ) và 83.000 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ). Sau giai đoạn thách thức này, lượng TPDN đáo hạn sẽ giảm về mức 61.000 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ) trong quý IV/2023.
Xét theo ngành nghề, nhóm DN Bất động sản (BĐS) là chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107.700 tỷ đồng (tăng 76,2% so với cùng kỳ).
Theo sau là nhóm Tài chính – Ngân hàng với 31% tỷ trọng giá trị đáo hạn, tương đương 77.600 tỷ đồng (tăng 24%so với cùng kỳ). Các ngành khác chiếm khoảng 26% tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2023, với khoản 66.500 tỷ đồng (tăng 126% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, theo báo cáo của VNDirect, trong bối cảnh, thị trường BĐS trầm lắng, nhiều DN gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các DN chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ đang dần tăng lên.
Tính đến ngày 5/3/2023, có khoảng 46 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. VNDirect ước tính, tổng dư nợ TPDN của các DN này vào khoảng 121.100 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 12% dư nợ TPDN toàn thị trường. Khoảng gần 38.500 tỷ đồng TPDN của các DN trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Để thị trường TPDN có thể phục hồi, VNDirect cho rằng sẽ cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ DN để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TPDN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BĐS cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS; Đồng thời, áp dụng bài học từ việc xử lý khủng hoảng TPDN tại các nước khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các DN tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng.