Hụt nguồn thu từ môi giới, CenLand báo lỗ trong quý I/2023 |
Nhiều doanh nghiệp "tay ngang" lỗ đậm do đầu tư chứng khoán. |
Từ đầu năm 2023, thị trường chứng khoán biến động tăng giảm liên tục. Từ đó, ẩn chứa rủi ro khiến hoạt động đầu tư chứng khoán của nhiều doanh nghiệp "tay ngang" bị thua lỗ nặng.
Điển hình như Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH). Tính đến thời điểm cuối quý I/2023, Thép Tiến Lên (TLH) đang lỗ 55% khi đầu tư chứng khoán. Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu SHB và IJC lỗ gần 50%. Còn các khoản đầu tư vào những cổ phiếu khác sụt 58% so với giá gốc. Công ty này đã cắt lỗ một phần ở cổ phiếu IJC và cổ phiếu khác.
Tính tới ngày 31/3, giá gốc đầu tư chứng khoán là 89 tỷ đồng. Giá trị cổ phiếu chỉ còn 40 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải lập dự phòng 49 tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính quý I/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) đang thua lỗ gần 300 tỷ đồng do đầu tư chứng khoán do đầu tư chứng khoán.
Trong cơ cấu tài sản, công ty ghi nhận về đầu tư chứng khoán lên tới 1.301,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm kết thúc quý I năm nay, dự phòng rủi ro giảm giá chứng khoán kinh doanh ghi nhận âm tới 292,9 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc TVC đang tạm ghi nhận thua lỗ 292,9 tỷ đồng do chứng khoán giảm giá.
Tương tự, Công ty Cổ phần Sách Giáo dục TP.HCM (SGD) cũng đang lỗ hơn 50% đầu tư chứng khoán. Giá trị gốc là 2,2 tỷ đồng, trong khi giá trị hợp lý còn hơn 1 tỷ đồng.
Cùng chung cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Everpia (EVE) có khoản đầu tư chứng khoán lỗ 3,7 tỷ đồng. Tính tới ngày 31/3, giá gốc đầu tư chứng khoán là 82,7 tỷ đồng. Trong khi giá trị thị trường của các khoản đầu tư chứng khoán còn 79 tỷ đồng.
Tính đến hết quý I, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) cũng dành hơn 254 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Cụ thể, một số khoản đầu tư lớn trong danh mục bao gồm CCQ KIM GROWTH VN30 ETF (49,5 tỷ đồng), FPT (hơn 31 tỷ đồng), MWG (gần 24 tỷ đồng), còn lại không được thuyết minh chi tiết. Coteccons phải trích lập dự phòng gần 61 tỷ đồng, tương đương tạm lỗ 24% cho khoản đầu tư trên.
Thử sức với chứng khoán, Công ty Cổ phần Địa ốc Sacom (Samland) cũng chịu lỗ. Tại thời điểm 31/3, Samland ghi nhận khoản chứng khoán kinh doanh có giá gốc gần 23 tỷ đồng, giảm 34 tỷ đồng so với đầu năm và toàn bộ là khoản đầu tư vào Đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Sông Đà (mã SJS).
Hiện khoản đầu tư này đang phải trích lập dự phòng trên 10 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ tới hơn 43%. Ghi nhận trong quý đầu năm, Samland không mua thêm cổ phiếu nào và đã bán sạch các cổ phiếu HPG và SSI.
Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2022, hai khoản đầu tư trên đều từng ghi nhận lỗ nặng khiến Samland phải dự phòng giảm giá đến 12,24 tỷ đồng, tương đương tạm lỗ gần 36%.
Ngậm ngùi thua lỗ khi "chơi chứng", Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) phải trích lập dự phòng giảm giá gần 84 tỷ đồng, tương đương mức lỗ gần 47%. Tính đến thời điểm cuối tháng 3, danh mục đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn có giá gốc 179 tỷ đồng.
Cụ thể, các khoản đầu tư cổ phiếu của Vĩnh Hoàn gồm: NLG (Nam Long); DXS (Đất Xanh Services); KBC (Kinh Bắc) và các cổ phiếu khác.
Trong đó, khoản đầu tư vào NLG có giá gốc 77 tỷ đồng và đang phải dự phòng 32,5 tỷ đồng, tương đương lỗ 42%; DXS có giá gốc 57 tỷ đồng, đang phải dự phòng 39 tỷ đồng, tương đương lỗ 67%; KBC giá gốc 32 tỷ đồng nhưng đang lỗ 23%. Như vậy, trong danh mục đầu tư cổ phiếu trên sàn, Vĩnh Hoàn đang có tỷ suất lỗ nhiều nhất khi đầu tư vào cổ phiếu DXS.
Địa ốc Novaland báo lỗ hơn 400 tỷ đồng, doanh thu thấp kỷ lục |