Người lao động bị giảm giờ làm, mất việc được hỗ trợ số tiền 1 đến 3 triệu đồng
Nguyên nhân dẫn tới việc người lao động vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp? |
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa có quyết định tiếp tục hỗ trợ người bị giảm giờ làm, ngừng việc, mất việc từ 1/4 đến 31/12, với số tiền 1 - 3 triệu đồng từ kinh phí công đoàn. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2024. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất trong ngày 31/3/2024.
Cụ thể, lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc là đoàn viên công đoàn được hỗ trợ 1 triệu đồng/người, không là đoàn viên công đoàn được hỗ trợ 700.000 đồng/người. Lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, là đoàn viên công đoàn được hỗ trợ 2 triệu đồng/người, không là đoàn viên công đoàn được hỗ trợ 1,4 triệu đồng/người.
Trong trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, công đoàn viên công đoàn được hỗ trợ 3 triệu đồng/người, người lao động được hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người.
Theo quyết định, đoàn viên công đoàn, người lao động đủ điều kiện hỗ trợ thuộc đối tượng nào thì được hưởng chính sách hỗ trợ của đối tượng đó nhưng một người chỉ được hưởng hỗ trợ một lần đối với một chính sách. Trường hợp đoàn viên công đoàn, người lao động được hưởng tất cả các chính sách hỗ trợ thì không trừ phần chênh lệch giữa các mức hỗ trợ.
Được biết, quyết định kéo dài gói hỗ trợ trên được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra trong bối cảnh không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn và đang thực hiện giảm, giãn thời gian làm việc, tạm hoãn hợp đồng hoặc cho người lao động nghỉ không hưởng lương, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều người lao động.
Mục đích để chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Đồng thời, quyết định tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ. Qua nửa năm giải ngân, hơn 81.600 lao động nhận hỗ trợ với tổng kinh phí hơn trên 114 tỷ đồng.
Trường hợp người lao động từ chối làm việc vẫn được trả đủ tiền lương |