Nguyên nhân nào dẫn tới việc người lao động vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp? |
Các trường hợp vi phạm được phát hiện khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc trong thời gian đang hưởng người lao động đến thông báo tình trạng việc làm hằng tháng.
Một số trường hợp dựa theo kết quả các kỳ kết luận của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra công tác quản lý thu của đơn vị tại cơ quan Bảo hiểm xã hội và phát hiện người lao động có việc làm, được đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà không thông báo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Bên cạnh đó, có trường hợp người lao động tự nguyện đến Trung tâm có đơn đề nghị xin được xem xét giải quyết, có xuất trình hợp đồng lao động và xin hoàn trả tiền trợ cấp thất nghiệp, do nhận thấy bản thân đã hưởng sai quy định.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tiếp nhận một số trường hợp theo thông báo của cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi đến để phối hợp giải quyết, do trong quá trình chi trả trợ cấp thất nghiệp phát hiện người lao động tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị mới trong thời đang hưởng trợ cấp thất nghiệp của lần hưởng trước (người lao động trùng đóng, trùng hưởng); hoặc phát hiện trong quá trình giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất cho người lao động.
Theo bà Liễu, trong quá trình trao đổi, và trực tiếp lắng nghe người lao động là đối tượng hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bà nhận thấy đa số người lao động vi phạm không cố ý trục lợi tiền trợ cấp thất nghiệp mà chủ yếu bởi một số lý do.
Trong đó, người lao động chưa nắm rõ các quy định về pháp luật lao động nói chung và các quy định về bảo hiểm thất nghiệp nói riêng; người lao động nhầm lẫn khái niệm có việc làm, đa số đều cho rằng, bắt đầu được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mới bị cắt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động cũng chưa có sự trao đổi cụ thể rõ ràng với doanh nghiệp về nội dung và hiệu lực của hợp đồng lao động. Ngoài ra, do nhu cầu có việc làm nên dù chưa được ký kết hợp đồng lao động, họ vẫn đi làm và hưởng lương dẫn đến không xác định được chính xác ngày có việc làm theo hợp đồng lao động…
Hơn nữa, qua trao đổi với người lao động thì đội ngũ cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp cũng chưa nằm vững các quy định về pháp luật lao động để tư vấn cho người lao động, dẫn tới hướng dẫn và thực hiện chưa đúng các quy định về giao kết hợp đồng lao động.
Nhiều trường hợp thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm là mới vào thử việc tại đơn vị, tuy nhiên sau đó đơn vị lại ký hợp đồng lao động chính thức bao gồm cả thời gian thử việc, dẫn đến người lao động hưởng sai... Đây là nguyên nhân khách quan, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới số lượng người lao động vi phạm bảo hiểm thất nghiệp.
Trước thực trạng trên, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã áp dụng các biện pháp kiểm soát trong thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp với người lao động; thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm hạn chế, phòng tránh việc trục lợi chính sách này.
Đối với các trường hợp phải thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp, cán bộ Trung tâm đã hướng dẫn và đôn đốc người lao động nộp lại tiền đã hưởng sai quy định cho cơ quan Bảo hiểm xã hội theo các quyết định chấm dứt, hủy, thu hồi đã ban hành.
Đơn vị cũng sử dụng nhiều hình thức liên lạc thông báo người lao động đến Trung tâm để hoàn thiện các thủ tục giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp.