Người dân bị thiệt hại do bão số 3 được giải quyết sớm quyền lợi bảo hiểm, lùi thời hạn trả nợ vay vốn |
Trong những ngày qua, cơn bão số 3 đã gây ra tổn thất nặng nề cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và hạ tầng tại nhiều tỉnh miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh và Hải Phòng.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo từ sớm, từ xa như vậy nhưng bão số 3 vẫn gây những thiệt hại lớn về người, nhà cửa, hạ tầng (nhất là điện lực, viễn thông), tàu thuyền, cây xanh, sản xuất nông nghiệp…
Quảng Ninh là một trong những địa phương nằm trong tâm bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149 km/giờ), giật cấp 16, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Tại thành phố Hạ Long, hàng loạt cây xanh ở các tuyến phố bị gãy, đổ, bật gốc; tuyến đường Quốc lộ 18A, các cây xanh bị đổ hàng loạt. Nhiều nhà dân bị tốc mái, hàng quán, cửa hàng lớn bị sập, tốc mái.
Thống kê sơ bộ đến chiều 9/9, bão số 3 đã gây thiệt hại cho tỉnh Quảng Ninh gồm trên 20.000 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.400 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gần 1.300 lúa, hoa màu, trên 17.000ha rừng trồng bị ảnh hưởng. Trên 1.400 cột điện bị gãy đổ gây mất điện diện rộng kéo theo mất nước.
Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Cá Heo đều ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng. Một số khách sạn tại Hạ Long cũng báo cáo thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất. Nhiều cửa kính bị vỡ, cảnh quan xung quanh bị phá hủy hoàn toàn. Tình trạng mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến việc khắc phục sự cố trở nên khó khăn hơn.
Hiện nay, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão. Ngành điện lực đang đẩy nhanh quá trình khôi phục điện tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang tập trung dọn dẹp nhà xưởng, sửa chữa các thiệt hại về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do quy mô thiệt hại quá lớn, quá trình khôi phục sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực.
Trong khi đó, tại Hải Phòng, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão Yagi đã gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề, với nhiều nhà xưởng trong các khu công nghiệp chìm sâu trong nước.
Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ. Thống kê sơ bộ, mưa bão làm hư hỏng 528 nhà dân, 128 trường, 13 cơ sở y tế, 104 trụ sở làm việc, 3 trạm điện, 210 trang trại, 367 cột điện, cột chiếu sáng; hơn 6.000 cây bị gãy đổ;…
Ảnh hưởng của bão số 3 tại Khu Công nghiệp Deep C (Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng). Ảnh: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng |
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, về thiệt hại chung, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều có cây xanh bị gẫy đổ, nơi thiệt hại cao nhất lên tới 90% và thiệt hại thấp nhất là 30%. Nhiều doanh nghiệp bị tốc mái, một số tường bị xé, đổ, cổng hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật, nước tràn vào nhà xưởng song không ghi nhận thiệt hại về người. Hiện các doanh nghiệp, các khu công nghiệp đều đang khẩn trương khắc phục sự cố.
Tại khu công nghiệp Đồ Sơn, hàng trăm doanh nghiệp đã phải cho công nhân nghỉ việc vì nhà xưởng, đường vào nhà máy ngập sâu. Theo ghi nhận, trụ sở Ban quản lý Khu công nghiệp Đồ Sơn cũng chịu thiệt hại nặng khi cửa kính bị gió bão giật tung, bàn ghế gãy nát ngổn ngang sau bão.
Tại Khu công nghiệp An Dương - nơi Tập đoàn LG đặt tổ hợp sản xuất có quy mô vốn đầu tư hiện tại lên tới 7,24 tỉ USD, một góc của nhà máy LG Electronics đã bị bão Yagi kéo sập, đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã rà soát, thống kê thiệt hại của các doanh nghiệp và báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố để sớm có chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Đến sáng 10/9/2024, khoảng 95% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoạt động trở lại.
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ để doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khắc phục hậu quả nhanh nhất, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo chuỗi cung ứng tại Hải Phòng trong thị trường toàn cầu luôn thông suốt.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho cho ngành nông nghiệp. Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… có trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi.
Riêng Quảng Ninh có tới trên 1.000 lồng bè thuỷ sản nuôi ở vùng biển bị hư hỏng, cuốn trôi, các hộ ngư dân thiệt hại từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Về vùng nuôi trồng thuỷ hải sản, lồng nuôi hải sản ở vùng biển bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nặng cho bà con ngư dân. Đáng chú ý, do bão quá lớn càn quét khiến Hải Phòng, Quảng Ninh mất điện diện rộng, ảnh hưởng đến nuôi tôm. Ở Cát Bà (Hải Phòng) đến nay vẫn chưa kiểm đếm được thiệt hại. Trong khi đó, tại Quảng Ninh, các dây hàu nuôi bị đứt hết, vùng nuôi hàu cơ bản mất trắng.
Thiệt hại về nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Ninh nặng nề, các lồng bè nuôi được làm bằng gỗ, tre nứa bị hỏng nặng, lồng bằng nhựa HDPE cũng bị cuốn trôi... Bên cạnh đó, có 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp vào cuộc nhanh chóng, đưa ra các giải pháp cụ thể để hướng dẫn địa phương, nông dân khắc phục sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho hàng chục nghìn hộ nông dân, nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Bộ sẽ tổ chức hội nghị nuôi biển với các địa phương miền Bắc bị thiệt hại bởi bão số 3 Yagi để khắc phục hậu quả, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản tu sửa, khôi phục sản xuất.
Ngày 9/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã ký quyết định về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 cho 5 địa phương, gồm: Nam Định 20 tỷ đồng, Thái Bình 30 tỷ đồng, Hải Dương 20 tỷ đồng, Yên Bái 20 tỷ đồng, Hưng Yên 10 tỷ đồng để thực hiện khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau cơn bão số 3.
Các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng đã báo cáo về việc hiện nay tự cân đối nguồn lực của địa phương để khắc phục phục hậu quả cơn bão số 3. Do đó, ngân sách trung ương sẽ xem xét, hỗ trợ khi các địa phương có đề xuất.
Trước đó, chiều 8/9, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã xin nhường lại 100 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng cho biết sẽ không nhận khoản tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả của bão số 3 là 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Thành phố Hài Phòng sẽ tự cân đối nguồn ngân sách của địa phương và vận động ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đang sinh sống trên địa bàn để cùng khắc phục hậu quả mà bão số 3 để lại.
Như vậy, tổng số tiền mà cả 2 tỉnh, thành phố từ chối nhận để nhường cho các địa phương khác là 200 tỷ đồng.
Số người chết, mất tích do bão số 3 đã vượt con số 140 Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 13 giờ ngày 10/9/2024, số người chết, mất tích do bão số 3 lên tới 146 người (82 người chết, 64 người mất tích). Trong đó, Cao Bằng: 55 người tại huyện Bảo Lạc (19 người chết, 36 người mất tích). Lào Cai: 30 người (19 người chết, 11 người mất tích). Yên Bái: 28 người do sạt lở đất (22 người chết, 6 người mất tích). Quảng Ninh có 9 người chết (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người). Trong khi đó Hải Phòng có 2 người chết do bão. Hải Dương có 1 người chết do bão. Tại Hà Nội có 1 người chết do bão. Hòa Bình có 4 người chết do sạt lở đất. Lạng Sơn có 2 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất. Bắc Giang có 1 người chết do lũ cuốn. Tại Tuyên Quang, 2 người mất tích do lũ cuốn. Hà Giang có 2 người (1 người chết; 1 người mất tích). Lai Châu có 1 người chết do sạt lở đất. Phú Thọ có 8 người mất tích (sự cố sập cầu Phong Châu). Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cũng cho biết, do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 48.337 nhà ở bị hư hỏng (tập trung Quảng Ninh 20.245, Hải Phòng 13.927, Bắc Ninh 3.450, Lạng Sơn 2.929...). HIện nay, hoàn lưu sau bão đã và đang gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ gây thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ ngày 10 đến 11/9 trên các sông ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và các sông khu vực hạ lưu đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, khu vực cửa sông ven biển lên mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3. Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng - Thái Bình. Trong báo cáo nhanh thiệt hại và công tác khắc phục do mưa bão số 3 (siêu bão Yagi) gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, đến 9 giờ sáng 10/9, một số vị trí trên các quốc lộ tiếp tục bị sạt lở, bị ngập nước do mưa hoàn lưu sau cơn bão số 3 gây ra, một số vị trí có nguy cơ đứt đường hiện đang được trực gác, hót dọn đảm bảo giao thông. Do tiếp tục có mưa, nước trên các sông phía Bắc dâng cao đã phát sinh thêm nhiều điểm tắc giao thông do sạt trượt, xói nền mặt đường hoặc do ngập nước. Trên một số quốc lộ, hiện nay còn khoảng 124 vị trí đang bị tắc. |
Xót xa mùi nhựa cây ngập tràn sau bão Bão Yagi đi qua để lại những thiệt hại lớn vô cùng với người dân các tỉnh phía Bắc. Ở Hà Nội, thiệt hại về ... |
Ô tô hư hỏng do thiên tai được bảo hiểm đền bù như thế nào? Trường hợp ô tô bị hư hỏng do thiên tai bão lũ, bảo hiểm tự nguyện sẽ đền bù với tỷ lệ như thế nào? ... |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của bão số 3 Bão số 3 đi qua nước ta, gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản ... |